Hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn ở nhiều địa phương tại miền Trung, gây sạt lở, chia cắt. Hàng trăm hộ dân bị ngập lụt, một số nơi tiếp tục di dời do sạt lở tại các tuyến đường.
Hôm qua 20.9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị công bố số liệu thống kê ban đầu với hơn 1.000 hộ dân phải di dời do ảnh hưởng bão số 4. Trong đó, mưa lớn gây sạt lở hơn 50 m3 đất đá trên tuyến QL14 đoạn đi qua xã Hướng Lập (H.Hướng Hóa), chia cắt giao thông. Đến chiều qua, các tuyến đường đi vào xã Húc, xã Hướng Tân, xã Hướng Linh (H.Hướng Hóa) mới thông tuyến sau sự cố sạt lở. Hệ thống đường lưới điện tại H.Vĩnh Linh nhiều nơi bị hư hỏng gây mất điện, hiện vẫn đang thống kê thiệt hại và khắc phục để cấp điện trở lại.
Nhà dân tại xã Tân Hóa (H.Minh Hóa, Quảng Bình) bị ngập sâu 0,5 - 2 m Ảnh: B.H
Tại Quảng Bình, hôm qua có mưa lớn, khả năng mực nước tại các sông tiếp tục dâng cao. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng túc trực, gắn biển cảnh báo, chuẩn bị phương án hỗ trợ người dân khi nước rút. Mưa lớn trước đó cũng đã khiến mực nước thượng nguồn sông Gianh dâng cao gây ngập lụt nhiều khu dân cư; mực nước sông ở các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh cũng đang dâng cao. Tính đến chiều 20.9, có 37 thôn bản với hơn 600 hộ dân tại Quảng Bình bị ngập lụt, trong đó H.Minh Hóa có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất (538 hộ), mức ngập từ 0,5 - 2 m. Toàn bộ các hộ dân này đã được sơ tán.
Các tuyến đường tại Quảng Bình hiện có đến 44 điểm bị chia cắt do sạt lở, nhiều nhất ở H.Tuyên Hóa; các đập, cầu tràn ở các xã Mai Hóa, Văn Hóa, Thanh Thạch, Lâm Hóa, Kim Hóa (H.Tuyên Hóa) đang có mực nước dâng cao 1 - 1,5 m, giao thông tê liệt.
Cùng ngày, 2 con tàu tại Quảng Bình gặp nạn khi đang neo đậu tránh bão. Vào lúc 10 giờ sáng, tàu cá QB-98043 TS đứt dây neo và bị sóng đánh lật. Trước đó, tàu hàng Nam Anh 69 khi đang neo đậu tại cửa sông Gianh đã bị các lồng bè nuôi hàu vướng vào dây neo khiến tàu bị cuốn xa cách bờ 2 hải lý, đang chờ sáng sớm nay (21.9) thủy triều lên sẽ trục vớt và lai dắt tàu về khu neo đậu.
Sạt lở đất đá gây chia cắt trên tuyến QL14 đoạn đi qua xã Hướng Lập (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) Ảnh: T.L
Tại Quảng Nam, sáng 20.9 ông Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch UBND H.Nam Giang, đã trực tiếp khảo sát vị trí xuất hiện vết nứt lớn kéo dài dọc quả núi phía sau thôn 56B xã Đắk Pre (Thanh Niên đã thông tin). Lãnh đạo huyện cho biết sẽ họp bàn phương án, đồng thời báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam có biện pháp khắc phục khẩn cấp đối với các hộ dân bị ảnh hưởng; hướng đề xuất của huyện là sẽ bố trí khu tái định cư mới. Trước đó, sau hơn 2 ngày xảy ra mưa lớn liên tục, chiều 19.9 người dân địa phương đi rừng phát hiện vết nứt lớn. Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác định vết nứt kéo dài khoảng 130 m, chiều sâu 1,5 - 5 m, chiều ngang từ 50 cm - 4 m; nhiều đoạn đã có dấu hiệu sụt trượt, ngấm nước, nguy cơ sạt xuống nhà dân... Lãnh đạo địa phương đã cho sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân (41 nhân khẩu) sống dưới chân núi để chuyển đến ở xen ghép, ở tạm nơi khác.
Tại H.Nam Trà My, mưa lớn đã làm hàng chục ngôi nhà bị nứt nền, đất đá tràn vào nhà và xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết địa phương đã sơ tán 51 hộ dân (164 nhân khẩu); chủ động dự trữ trên 30 tấn gạo tại các nhà kho, trường học đề phòng thiếu đói do sạt lở cô lập địa bàn. Tại H.Đông Giang, 12 hộ dân cũng đã được sơ tán khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; phân bổ lương thực, nhu yếu phẩm về các thôn bản đảm bảo cung ứng trong vòng 10 ngày.
Tại Hà Tĩnh sáng qua 20.9, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường, cầu tràn ở các huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê... ngập sâu, nhiều khu dân cư bị cô lập. Tại các điểm ngập lụt, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo và cấm người, phương tiện qua lại. Mưa lớn khiến lượng nước đổ về các hồ chứa tăng. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, từ 17 giờ ngày 19.9, Nhà máy thủy điện Hố Hô (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) đã xả tràn với lưu lượng 78 m3/giây, sau đó tăng lên gần 600 m3/giây vào khuya cùng ngày. Đến chiều 20.9, thủy điện này đã giảm xả xuống còn 443 m3/giây. Cũng trong chiều qua, Nhà máy thủy điện Hương Sơn (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) xả tràn với lưu lượng 15,4 - 92 m3/giây. Trước đó vào buổi sáng, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng cho nước qua tràn đối với hồ Kim Sơn và hồ Thượng Sông Trí (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với lưu lượng 5 - 100 m3/giây.
Trước dự báo mưa lớn tiếp tục kéo dài, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã di dời 49 hộ dân ở vùng thấp trũng và nguy cơ xảy ra sạt lở tới nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, theo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, sáng 20.9, toàn tỉnh có gần 28.000 học sinh tại 34 trường từ bậc mầm non đến THPT phải nghỉ học do nhiều tuyến đường dân sinh bị ngập sâu, nước lũ chia cắt.
Đến cuối chiều qua, mưa tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã giảm. Tỉnh Hà Tĩnh còn ngập cục bộ một số ngầm tràn, đường giao thông nông thôn tại huyện Hương Khê, Vũ Quang. Tỉnh Quảng Bình còn 1.150 hộ bị ngập; 38 thôn, bản bị chia cắt. Bão số 4 đã làm 1 người bị thương (Thừa Thiên-Huế), 96 nhà hư hại, tốc mái (Hà Tĩnh 63, Quảng Trị 4, Thừa Thiên-Huế 12, Quảng Nam 17). Về giao thông, có 16 điểm ngập cục bộ, ngầm tràn, hơn 100 điểm sạt lở (Quảng Bình 86, Quảng Trị 8, Thừa Thiên-Huế 1, Quảng Nam 7). Đình Huy |
Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/nhieu-dia-ban-mien-trung-ngap-lut-chia-cat-vi-bao-so-4-185240920204144509.htm