240
/
164768
Đề xuất giảm giờ làm: Liệu có khả thi?
de-xuat-giam-gio-lam-lieu-co-kha-thi
news

Đề xuất giảm giờ làm: Liệu có khả thi?

Thứ 5, 30/05/2024 | 14:39:36
1,974 lượt xem

Đề xuất giảm thời gian làm việc bình thường đối với người lao động dưới 48 giờ/tuần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Đề xuất giảm giờ làm hướng tới việc cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho người lao động.

Đề xuất giảm giờ làm hướng tới việc cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho người lao động.

Nhiều người lao động quan ngại việc giảm giờ làm sẽ khiến thu nhập của họ sụt thấp, từ đó gây ra nhiều khó khăn, khó đảm bảo đời sống sinh hoạt.

Người Việt làm việc nhiều nhất thế giới?

Trong khuôn khổ diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, đại diện cán bộ công đoàn các cấp đã kiến nghị giảm thời gian làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần.

Thực tế cho thấy, số giờ làm việc của phần đông người lao động bình thường hiện nay, không tính tăng ca là 48 giờ/tuần, chỉ riêng đối với khối cơ quan hành chính Nhà nước là 40 giờ/tuần.

Theo số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên).


Trong số 154 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước.

Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ/tuần. Tuy nhiên đến nay, quy định thời gian làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện ở khu vực công.

Hiện tại, người lao động làm việc tại các cơ quan Nhà nước được nghỉ trọn vẹn cả ngày thứ 7 và Chủ nhật. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp vẫn làm việc ngày thứ 7. Vì vậy, mục tiêu của đề xuất mới được đưa ra này nhằm giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi để cải thiện điều kiện sức khỏe thể lực, trí lực, tâm lực.

Trước đề xuất mới giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phần lớn người lao động hưởng lương theo thời gian bày tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ.

Chị Trần Quỳnh Anh (27 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, xét trên nhiều góc độ thì đề xuất này hoàn toàn hợp lý.


“Theo tôi, nếu đề xuất được áp dụng, khối lượng công việc mà chúng tôi phải xử lý vẫn vậy vì tính chất công việc của tôi mang tính khoán, tức là làm hết việc chứ không làm hết giờ. Song tôi vẫn ủng hộ đề xuất giảm giờ làm, bởi chúng tôi sẽ tập trung cao độ hoàn thành công việc để có nhiều thời gian linh hoạt hơn. Thực tế hiện nay, tôi đang làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều từ thứ 2 đến thứ 6 và thêm buổi sáng của 2 ngày thứ 7 trong tháng. Vì vậy nếu được, tôi mong muốn được kết thúc giờ làm việc sớm hơn hoặc nghỉ hoàn toàn ngày thứ 7 để có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng hoặc dành thời gian học hỏi, trau dồi thêm các kỹ năng khác trong đời sống”, chị Quỳnh Anh nêu quan điểm.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nỗi lo giảm giờ làm, giảm thu nhập

Với nhiều người lao động ăn lương theo sản phẩm, họ lại khá lo ngại việc giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng đến tổng thu nhập hàng tháng của mình.

“Tôi có 3 đứa con nhỏ, vì vậy cũng thường xuyên nhận tăng ca để có thêm thu nhập nuôi con. Vì lương của tôi chủ yếu hưởng theo sản phẩm, làm càng nhiều thì cuối tháng lương thưởng sẽ càng cao. Nếu giảm giờ làm thì đồng nghĩa với việc sản phẩm làm ra cũng sẽ giảm, doanh nghiệp sẽ trả lương thấp hơn. Tôi cho rằng nếu đề xuất giảm giờ làm mà lương vẫn giữ nguyên thì mới có thể giúp cho người lao động cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần. Còn nếu không thì cứ duy trì như hiện tại cũng được”, anh Trần Đức Năng (40 tuổi, huyện Chí Linh, Hải Dương) bày tỏ nỗi lo ngại của mình trước thông tin giảm giờ làm việc.

Trái với ý kiến trên, khi biết tới đề xuất này, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (33 tuổi, quận Dương Kinh, Hải Phòng), công nhân xưởng sản xuất giày da có tâm lý vui mừng vì sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc con cái hơn.

“Nhiều khi đi làm cả ngày rất mệt, chưa tính tới việc còn phải tăng ca, thế nên về tới nhà tôi chỉ muốn được ngủ, nhiều bữa cơm cũng chẳng thiết nấu, con cái vì thế thường phải gửi ông bà cả ngày, các cháu chỉ được gặp mẹ vài tiếng buổi tối. Thương con nên tôi phải gắng gượng đi làm, chăm chăm đến giờ là vội vàng về đón con, nấu cơm cho tụi nhỏ ăn rồi nằm vật ra tới sáng hôm sau”, chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, giảm giờ làm cũng là một cách giúp người lao động đảm bảo sức khỏe, giảm tai nạn lao động, tăng hiệu quả làm việc.

Song, với mức thu nhập thực tế khoảng 10 triệu đồng/tháng khi làm 48 tiếng/tuần như hiện nay, chị Thủy cũng luôn phải tiết kiệm, cố gắng sao cho vừa đủ trang trải cuộc sống. Cũng như nhiều người lao động khác, chị Thủy lo ngại việc giảm giờ làm sẽ khiến thu nhập của mình giảm sút, lại thiếu trước hụt sau. Có khi giảm ở chỗ này lại phải tăng ở chỗ khác, thậm chí sẽ phải làm thêm một công việc nữa mới bù đủ thu nhập, đảm bảo chi trả sinh hoạt phí cho cả nhà.

Thực tế, Nhà nước cũng khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động, nhưng giảm giờ làm kéo theo nhiều vấn đề về chi phí, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh nên không phải doanh nghiệp nào cũng ủng hộ.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại nếu giảm giờ làm việc của khu vực tư nhân xuống quá nhiều sẽ khiến sản lượng không tăng, ảnh hưởng đến GDP của toàn bộ nền kinh tế. Bởi khu vực tư nhân hiện đang có đóng góp rất lớn cho việc tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Liên quan đến kiến nghị trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Theo Hà Trang/GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-giam-gio-lam-lieu-co-kha-thi-post685407.html

  • Từ khóa

Miền Bắc sắp đón đợt mưa lớn, có nơi trên 250mm

Dự báo từ 28 đến 31-7, ở miền Bắc xảy ra một đợt mưa lớn, có nơi mưa trên 250mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.
20:02 - 26/07/2024
279 lượt xem

Không phân loại rác sẽ bị xử phạt

Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng theo quy...
17:50 - 26/07/2024
326 lượt xem

Phân luồng giao thông do tai nạn trên cao tốc, phải thông báo sớm

Khu quản lý đường bộ IV vừa báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam về việc đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết liên quan đến một số...
13:10 - 26/07/2024
398 lượt xem

Điện Biên phân luồng, điều chỉnh hướng lưu thông tạm thời do tê liệt giao thông trên Quốc lộ 12

Trước thực trạng đoạn Km172 - Km174 trên Quốc lộ 12 (địa phận xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) bị tê liệt hoàn toàn do lũ quét, Sở Giao thông vận tải tỉnh...
11:31 - 26/07/2024
513 lượt xem

Cháy rụi 21 xe điện chạy phạm vi hạn chế ở Hội An

Sáng sớm ngày 26-7, thêm vụ cháy xe điện xảy ra tại thành phố Hội An. Trong ít phút, 21 xe điện bị thiêu rụi.
08:27 - 26/07/2024
578 lượt xem