240
/
129734
Lao đao vì thiếu thuốc, vật tư y tế (*): "Trăm dâu đổ đầu"... người bệnh
lao-dao-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-tram-dau-do-dau-nguoi-benh
news

Lao đao vì thiếu thuốc, vật tư y tế (*): "Trăm dâu đổ đầu"... người bệnh

Thứ 2, 20/06/2022 | 07:35:10
3,019 lượt xem

Đáng lẽ phải được hưởng thuốc chữa bệnh từ BHYT nhưng tình trạng thiếu thuốc ở các trạm y tế lẫn bệnh viện khiến gánh nặng đổ lên vai người bệnh. Có khi, họ phải bỏ ra cả chục triệu đồng để mua thuốc bên ngoài mà không rõ chất lượng, nguồn gốc

Cuối tháng 5 vừa qua, sau khi có thông tin bệnh nhân tham gia BHYT tại Bệnh viện TP Thủ Đức phải mua thuốc bên ngoài, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh rà soát, triển khai mua sắm thuốc, vật tư y tế đúng quy định và số lượng nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT.

Bệnh nhân bị "móc túi"

Thực tế, tình trạng thiếu thuốc BHYT tại Bệnh viện TP Thủ Đức đã xảy ra từ tháng 12-2021. Trước đó, theo phản ánh của chị T.H (ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức), người nhà chị đăng ký chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện này và có điều trị ung thư tại đây.

Chị H. cho biết người nhà chị bị hạch chèn, bít đường thở, do đó phải tiến hành hóa trị đợt 1 với đơn 5 loại thuốc. Tuy nhiên, Bệnh viện TP Thủ Đức chỉ có 1 loại. Số thuốc còn lại, người nhà chị H. phải tự tìm mua ở các nhà thuốc tư nhân khu vực Bệnh viện Ung Bướu TP HCM.

Lao đao vì thiếu thuốc, vật tư y tế (*): Trăm dâu đổ đầu... người bệnh - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngậm ngùi với gói thuốc BHYT thiếu nhiều loại, phải ra bên ngoài mua bổ sung. Ảnh: HẢI YẾN

Chị H. đã phản ánh sự việc này lên ban giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức và được giải thích do khó khăn trong nguồn cung ứng. Lãnh đạo bệnh viện này mong bệnh nhân thông cảm, nếu có nhu cầu thì sẽ tạo mọi điều kiện để được chuyển viện lên tuyến cao hơn.

Sau phản ánh trên, Bệnh viện TP Thủ Đức đã báo cáo với Sở Y tế TP HCM. Theo báo cáo, ngay sau giai đoạn giãn cách vì Covid-19, số bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám và điều trị tại bệnh viện này tăng hơn 100% so với giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Số bệnh nhân quá đông khiến một số mặt hàng thuốc không đủ đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, trong tháng 8-2021, bệnh nhân BHYT khám ngoại trú chỉ khoảng 28.048 lượt thì đến tháng 4-2022 tăng lên 75.459 lượt.

Bên cạnh đó, gói thầu mua sắm thuốc năm 2020-2021 của Bệnh viện TP Thủ Đức đã kết thúc ngày 29-12-2021. Thời điểm này, tình hình cung ứng thuốc cho bệnh viện gặp một số khó khăn do số lượng người bệnh tăng nhanh vào đầu năm 2022 khiến một số mặt hàng thuốc không đủ đáp ứng. Dịch Covid-19 kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến việc đặt hàng mua sắm thuốc; một số công ty không cung ứng đủ theo nhu cầu của bệnh viện.

Trước đó, vào tháng 4-2022, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM, trực thuộc Bộ Y tế) cũng xảy ra tình trạng hết thuốc chống thải ghép do BHYT chi trả. Bệnh nhân ghép thận đến ngày tái khám phải mua thuốc này bên ngoài. Các loại thuốc này có giá bán trên thị trường rất cao, như Advagraf 37.000 - 254.000 đồng/viên (từ 0,5 - 5 mg), Prograf 1 mg là 55.000 đồng/viên. Để mua đủ thuốc cho 28 ngày điều trị, bệnh nhân phải trả cả chục triệu đồng.

Giải thích về nguyên nhân thiếu thuốc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết do chậm trễ trong khâu đàm phán giá khi triển khai đấu thầu thuốc tập trung quốc gia. Mãi đến ngày 6-5, Bệnh viện Chợ Rẫy mới khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, bảo đảm cung ứng cho người bệnh BHYT.

Ông Nguyễn Văn Quân - 70 tuổi, ở Nam Định - cho biết ông bị tiểu đường phải thăm khám định kỳ. Hai tháng nay, khi đi khám bệnh tại cơ sở y tế, ông không được BHYT cấp thuốc như thường lệ mà phải ra quầy thuốc bên ngoài mua sử dụng.

Lãnh đạo một bệnh viện ở tỉnh Nam Định và trung ương cho biết từ đầu tháng 4-2022, bệnh viện bắt đầu thiếu một số loại thuốc và vật tư y tế như: bơm tiêm, dây truyền, kim luồn tĩnh mạch, chỉ khâu, các loại kháng sinh, điều trị ung thư, điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp và một số biệt dược.

TS-BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương, thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện và người bệnh phải mua loại đáng lẽ được hưởng BHYT. Gần đây, có bệnh nhân đã thắc mắc về việc khi khám BHYT tại Bệnh viện E Trung ương được kê đơn 3 loại thuốc thì 2 loại (insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường) phải mua ngoài. Đáng nói là 2 loại thuốc này đều nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng. Nếu bệnh nhân phải mua 2 loại thuốc này thì họ phải chi tiền túi hơn 450.000 đồng cho 1 tháng điều trị.

Ông Hựu cho rằng người bệnh đang phải chịu thiệt thòi rất lớn vì tham gia BHYT, họ có quyền lợi được hưởng khi đi khám chữa bệnh nhưng lại phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc này, do bệnh viện thiếu. Ông cho biết khi thiếu thuốc, thiếu vật tư, không chỉ người bệnh bị ảnh hưởng quyền lợi mà nhân viên y tế "cũng đau đầu, stress".

"Tôi rất đau lòng..."

Theo TS-BS Nguyễn Công Hựu, nhiều người cho rằng thời gian qua, ngành y có nhiều biến động. Do các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra nên nhiều bệnh viện "sợ", không dám mua gây thiếu thuốc, thiếu vật tư. Tuy nhiên, đây không phải là lý do.

"Bệnh viện E vừa thực hiện xong gói thầu, cố gắng để khắc phục được tình trạng người bệnh phải bỏ tiền túi ra mua thuốc nhưng chúng tôi cũng không dám khẳng định sẽ cung cấp đủ. Bởi lẽ, khi thầu xong, có những mặt hàng trượt thầu. Có hãng thuốc chỉ một nhà cung cấp, vì lý do gì đó họ thông báo không sản xuất kịp, không phân phối kịp. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo đảm tối đa thuốc điều trị trong bối cảnh hiện tại" - bác sĩ Hựu nêu thực tế.

Lãnh đạo Bệnh viện E cho biết trước đây, khi thầu không đủ, bệnh viện sẵn sàng vay mượn chính đơn vị cung ứng thầu để kịp thời cung cấp thuốc cho người bệnh, sau đó bổ sung hợp đồng mua bán sau. Còn hiện tại, người ta phải "nhìn ngó lại" xem việc "vay mượn" đó có đúng quy định không, bởi nếu trường hợp phải làm lại hợp đồng mua bán, phải quay lại quy trình đấu thầu thì rất dễ xảy ra tình huống bệnh viện cần "trả nợ" hàng vay lại không trúng thầu.

"Tuy nhiên, hiện nay, khi ngành y tế đang có nhiều biến động, công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, các bệnh viện dù thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế sẽ không đi vay bằng mọi cách nữa mà chờ đấu thầu theo đúng quy trình, song việc đấu thấu cần phải có thời gian. Hơn nữa, việc mua thuốc còn phụ thuộc vào bên bán. Nhiều lúc họ có thuốc giá cao thì không thể mua, giá rẻ thì họ không có, lại trì hoãn hoặc họ không có thuốc. Nếu dịch bệnh xảy ra, nhiều nơi cùng mua một loại thuốc, họ sản xuất không kịp…" - lãnh đạo Bệnh viện E giải thích.

GS-TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - nhìn nhận có thực tế tại các bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí cả thiết bị y tế. Thiếu thuốc men, sinh phẩm, vật tư y tế khiến máy móc, thiết bị có nơi phải đắp chiếu dẫn đến hậu quả xấu trong hoạt động khám chữa bệnh của tất cả các bệnh viện.

"Mọi thiệt thòi đang đổ lên người bệnh: không được khám chữa bệnh kịp thời, phải mua thuốc men ở ngoài đắt đỏ và không bảo đảm chất lượng… Tôi rất đau lòng khi phải chứng kiến những điều đó" - GS Trí bày tỏ. 

Ăn đong từng bữa

PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, thừa nhận tại bệnh viện đang có tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thiếu vật tư.

"Chúng tôi làm việc mà giống như kiểu đang "ăn đong" từng bữa. Bệnh viện đang thiếu bơm tiêm, kim tiêm - những thứ mà người bệnh phải dùng hằng ngày. Gel để bôi trơn cho người bệnh khi siêu âm cũng đã hết nhưng trên hệ thống công bố giá không có sản phẩm này nên bệnh viện chưa có cơ sở để so sánh khi đấu thầu, mua sắm sản phẩm. Bệnh nhân chụp MRI, chụp CT đáng lẽ phải được nhận phim nhưng do phôi chụp phim hết nên bệnh viện phải gửi hình ảnh lên hệ thống để bác sĩ chẩn đoán; còn bệnh viện đành phải in phim chụp vào đĩa CD để bệnh nhân lưu trữ" - ông Cảnh dẫn chứng.

Theo Hải Yến - Ngọc Dung/NLĐO

https://nld.com.vn/suc-khoe/lao-dao-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-tram-dau-do-dau-nguoi-benh-20220619210036846.htm

  • Từ khóa

Phát hiện hơn 100 hài cốt khi thi công cống thoát nước ở Hà Nội

Trong quá trình đào mương thi công cống thoát nước ở Hà Nội, công nhân liên tục phát hiện những chiếc tiểu quách bên trong có hài cốt người. Đến nay, công...
17:35 - 21/11/2024
376 lượt xem

Chốt vé tuyến metro số 1 TP.HCM: 40.000 đồng/người/ngày đi không giới hạn

UBND TP.HCM vừa có Quyết định ban hành giá vé dịch vụ vận tải hành khách bằng tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên (tuyến...
12:28 - 21/11/2024
241 lượt xem

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mỗi ga dừng 5 phút, Hà Nội - TP.HCM đi 7 giờ chứ không thể 5,5 giờ?

Bộ Giao thông vận tải đã giải trình ý kiến nêu với 23 ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mỗi ga dừng 5 phút, từ Hà Nội vào TP.HCM mất 7 giờ chứ không thể...
12:14 - 21/11/2024
250 lượt xem

"Tuýt còi" dịch vụ chèo thuyền kayak ở Cát Bà

Hoạt động chèo thuyền kayak ở quần đảo Cát Bà tự phát, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho khách du lịch
10:33 - 21/11/2024
274 lượt xem

Vì sao dự báo không khí lạnh mà cảm nhận lại không thấy lạnh?

Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.
10:27 - 21/11/2024
276 lượt xem