240
/
123592
Nếu ngại "đụng chạm" tôi đã không "dại" gì… gai góc!
neu-ngai-dung-cham-toi-da-khong-dai-gi-gai-goc
news

Nếu ngại "đụng chạm" tôi đã không "dại" gì… gai góc!

Thứ 6, 28/01/2022 | 15:08:00
2,324 lượt xem

Nữ đại biểu Quốc hội từng nhiều lần thẳng thừng chất vấn, "truy" trách nhiệm các Bộ trưởng, năm 2021 kết thúc nhiệm kỳ, khép lại vai trò là một chính trị gia để toàn tâm toàn ý làm lãnh đạo cấp Sở...

Nếu ngại

Một nữ đại biểu Quốc hội bản lĩnh, từng nhiều lần thẳng thừng chất vấn, "truy" trách nhiệm các Bộ trưởng, lãnh đạo Chính phủ ở nhiều lĩnh vực quản lý xã hội, năm 2021 kết thúc nhiệm kỳ, rời nghị trường, khép lại vai trò là một chính trị gia để toàn tâm toàn ý làm một cán bộ lãnh đạo cấp Sở tại địa phương. Nữ đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ với Dân trí về một năm chuyển giao, đúng bối cảnh phải dồn toàn lực cho một năm bộn bề công việc trên cương vị Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 2

- 2021 hẳn là một năm rất đặc biệt đối với bà, ở vị trí một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, khi tham gia tổ chức, điều hành một hoạt động chưa từng có, 70 ngày đêm đón hơn 16.000 người dân Phú Yên từ phía Nam trở về quê tránh dịch. Hoạt động mà bà dồn gần như toàn bộ tâm tư, hơn 2 tháng liên tục làm việc quên ngày đêm, bà gọi tên là "nghĩa đồng bào"?

Tôi nghĩ, năm 2021 là một năm vô cùng đặc biệt với tất cả người dân Việt Nam.

Với riêng mình, năm vừa qua thật sự là khoảng thời gian rất ý nghĩa, nhiều bước ngoặc mang tính thách thức trong công việc cũng như là cơ hội để tôi được tham gia hoạt động xã hội thiện nguyện.

Đối với việc tổ chức đưa người dân Phú Yên đang tạm trú tại các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch, đó là một hoạt động chưa từng có trong tiền lệ, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Những chuyến xe "giải cứu" không mang một dấu ấn riêng biệt dành cho cá nhân nào và tôi cũng chỉ là một trong số thành viên trong tổ giúp việc tham gia tổ chức thực hiện kế hoạch này. Có khác chăng là với nhiệm vụ được phân công đảm nhận việc tổ chức điều phối chung cho kế hoạch tổng thể, tôi bắt buộc phải xuất hiện thường xuyên tại hiện trường, được người dân biết đến nhiều hơn.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 3

Để điều phối nhịp nhàng, kịp tiến độ những nội dung liên kết khác từ Sở ngành, cơ quan liên quan và địa phương trong tỉnh, tôi cũng phải tham gia làm trực tiếp một số phần việc quan trọng, như cùng anh em tổ dữ liệu tiếp nhận thông tin công dân, lên danh sách, liên lạc xác nhận hoàn cảnh, nhu cầu của công dân, điều hành hậu cần. Đối tượng mà tỉnh ưu tiên đưa về khi đó là người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật, phần lớn là đối tượng yếu thế cần trợ giúp, làm sao để mỗi chuyến xe đưa người về phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, "đi đến nơi, về đến chốn".

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 5

Tôi cũng thấy rất may mắn và hết sức cảm ơn các đồng nghiệp tỉnh bạn, ở nhiệm vụ này, tôi cùng giám đốc Sở phải làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp cùng ngành trong các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu... để phối hợp, hỗ trợ đưa người dân Phú Yên về quê. Tỉnh bạn cần giãn dân để tập trung chống dịch, Phú Yên cần an dân vì nghĩa đồng bào. Nếu không có những đồng nghiệp ngoài tỉnh đã hết mình hỗ trợ, chúng tôi không thể hoàn thành nổi nhiệm vụ lớn này.

"Nghĩa đồng bào" là một cách gọi vô cùng ý nghĩa nhưng không phải do tôi đặt, là do chính người dân đi trên các chuyến xe vì xúc động mà gọi tên như vậy, chúng tôi cùng đồng lòng hướng đến, tất cả đều vì sự an lành của người dân xứ Nẫu. Và tôi nghĩ, khi làm những việc vì dân, hiểu lòng dân, người dân cảm nhận được thì sẽ gọi tên chính xác và đúng nghĩa.

Chắc chắn, tôi cùng anh em tổ giúp việc, cả những ai trực tiếp tham gia vào kế hoạch này sẽ không bao giờ quên 70 ngày đêm đã sống trọn vẹn vì "nghĩa đồng bào" ấy.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 7

- Bà từng chia sẻ những câu chuyện gây xúc động mạnh về những cuộc gọi nửa đêm của người lao động tha hương rơi vào cảnh khó, đơn độc giữa thành phố lớn khi dịch bệnh bủa vây, như chuyện người phụ nữ bụng mang dạ chửa xin được về quê. Câu chuyện nào với bà là ám ảnh nhất? Đâu là động lực hành động với những người tổ chức cuộc "giải cứu" chưa có tiền lệ như vậy?

Tổ giúp việc liên ngành của chúng tôi khi đó gần như làm việc cả ngày lẫn đêm bởi có những thời điểm nhu cầu của người dân mong được về quê rất bức bách. Chuyện công dân nhắn tin gọi điện cho chúng tôi vào giờ khuya, 1-2h sáng là chuyện hết sức bình thường. Vì thế, ngoài công việc chuyên môn, ai cũng ý thức cần ưu tiên đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 9

Có những trường hợp, những câu chuyện thương tâm mà tôi trực tiếp tiếp nhận từ cuộc gọi của người dân hay anh em tổ dữ liệu báo cáo xin ý kiến gấp để "giải cứu", khiến bây giờ, thi thoảng ngồi nhớ lại, chúng tôi vẫn không khỏi xúc động. Những người phụ nữ mang thai đến gần ngày sinh nở, những em học sinh sinh viên tranh thủ nghỉ hè vào Nam làm thêm kiếm tiền cho năm học mới bị mắc kẹt lại vùng dịch, những người mắc bệnh hiểm nghèo đi chữa trị luôn sợ rằng không kịp trở về với gia đình...

Mỗi câu chuyện thực sự là một hoàn cảnh nghiệt ngã, là thân phận nhỏ bé đơn độc của con người, vốn đã yếm thế mà vì đại dịch lại càng bi thương, cùng kiệt hơn. Có công dân vì không biết chữ nên không thể đăng ký online, gọi cho tôi, câu đầu tiên đã nói vội vàng "Con ơi cô không biết chữ...", có công dân trẻ tuổi bị sang chấn tâm lý vì chứng kiến nhiều người ra đi xung quanh khu nhà trọ... Những câu chuyện như thế khiến tôi buồn mãi. Đó là tất cả những gì tạo nên động lực, sức mạnh cho chúng tôi để cố gắng động viên nhau, hãy vì dân mà làm, và phải là hết sức.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 11

- Thực sự là rất xúc động với từng câu chuyện đã được bà chia sẻ trên facebook cá nhân. Có thể nhận thấy bà là một quan chức, một Phó Giám đốc Sở hiếm hoi tích cực "chơi" facebook, thậm chí chủ đích sử dụng mạng xã hội này để phục vụ công việc, hoạt động từ thiện. Hẳn là bà nhận không ít "can gián"?

Tôi không sử dụng facebook với chủ đích như vậy đâu, vì tôi không có ý định trở thành một "hot Facebooker" hay một "KOL". Tôi chỉ là một người sử dụng mạng xã hội như bao người, việc người ta biết đến tôi cũng là điều bình thường nên cũng không thấy quá áp lực. Quan trọng là cách mình lựa chọn việc sử dụng mạng xã hội như thế nào để không sa đà vào những tranh cãi, gây những năng lượng tiêu cực. Nhờ mạng xã hội, tôi kết nối được nhiều bạn bè cùng chí hướng, tâm nguyện làm từ thiện, đó là điều tích cực mà tôi nhận được từ mạng xã hội.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 13

Làm về lĩnh vực trẻ em, phát triển con người thì thu nạp tư liệu đời sống, dù ở dạng nào cũng là điều cần thiết. Giống như công việc hiện tại của tôi khi về cơ sở, về từng nhà dân, nếu thể hiện sự quan cách thì chỉ có quay về tay không thôi, sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả.

Từ "quan chức", nói thật là khá xa lạ trong ý niệm của tôi về vai trò hiện tại. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình được phân công vào một vị trí quản lý còn mình làm được gì khi ở vị trí ấy mới là điều quan trọng.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 15

- Trong những câu chuyện mới đăng tải gần đây, liên quan đến công việc cuối năm trong lĩnh vực công tác của mình, bà nói về những điều day dứt khi hậu kiểm rà soát hộ nghèo, tặng quà, chăm lo với các gia đình chính sách dịp Tết và nhận ra những quy định còn bất ổn, cần điều chỉnh. Nói như vậy, bà không ngại "đụng chạm" sao?

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không lựa chọn cách tiếp cận có phần gai góc đối với những vấn đề tôi quan tâm. Không phải tôi cố tình tạo sự khác biệt, có thể do phần lớn số đông thường thích nghe những điều thuận tai, còn tôi thì không thể nói khác với những điều tôi suy nghĩ, nhất là những gì tôi đã mắt thấy tai nghe.

Mặc dù trong công tác quản lý nhà nước, chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc trong triển khai thực hiện chính sách, nhưng nếu chính sách chưa phù hợp với thực tế đời sống thì rất cần những tiếng nói phản biện. Mà muốn góp ý, phản biện sát đúng thì chỉ có cách hòa mình vào đời sống.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 17

Lĩnh vực mà tôi phụ trách lại là mảng chính sách an sinh xã hội dành người khó khăn yếu thế: người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có những vấn đề xã hội như ma túy, mại dâm… Nếu không có sự tiếp cận thì không thể biết hết những hạn chế, bất cập về chính sách hiện hành. Kể cả phương pháp triển khai thực hiện, nếu quá máy móc, tôi sợ rằng sẽ vô tình bỏ lại phía sau những mảnh đời bất hạnh cần trợ giúp.

Người dân là người chịu sự tác động của chính sách an sinh. Vì thế, tiếng nói của họ cần được ghi nhận, góp vào việc đánh giá chính sách. Để công tác quản lý nhà nước hiệu quả và hài hòa lợi ích các bên thì không thể xuôi theo một chiều được, thực hiện chính sách chính là mình mà kiến nghị đề xuất làm chính sách, hoạch định chính sách cũng cần có sự tham gia của mình. Một sự thật rất thường hay gặp ở ta là các lỗi trong tư duy chính sách, hay nhầm lẫn về mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện.

Về quan điểm cá nhân, tôi vẫn thích tạo ra kênh tiếp nhận ý kiến người dân bằng cách chủ động kéo gần khoảng cách, về với dân để lắng nghe họ. Tôi thường phát hiện ra chỗ yếu trong phương thức thực hiện chính sách là chính từ ý kiến của người dân. Mặc dù đây là kênh tiếp nhận phi chính thức nhưng tiếng nói tỏ bày của người dân, sự lên tiếng của người làm quản lý xuất phát từ dân sẽ tạo ra một sự cộng hưởng tích cực, truyền đạt tới cộng đồng để tạo ra những giá trị đúng đắn về một chính sách kiến tạo xã hội.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 19

- Trước đây, dư luận từng biết tới một nữ đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền sắc sảo, "gai góc" trên nghị trường. 2021, hoàn thành vai trò một chính trị gia ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, trở về vai một người "công bộc của dân", sự "đổi vai" này với bà thế nào?

Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tôi không phải là một đại biểu chuyên trách. Chính vì thế, việc phân định rõ vai trò ở từng nhiệm vụ cũng giúp tôi thấy quen thuộc và bình thường khi trở về hẳn với vai trò quản lý nhà nước, làm công bộc của dân.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi tôi vừa kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội thì tại Phú Yên bất ngờ có ca bệnh Sars-Cov-2 đầu tiên. Chứng kiến người dân và quê hương Phú Yên bị tổn thương do đại dịch bùng phát, tôi đã chọn cách hòa mình vào sự biến động chung của xã hội, đi hầu hết các điểm tâm dịch trong tỉnh để khảo sát nhu cầu và kêu gọi vận động nguồn lực tham gia chống dịch.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 21

Thật sự tôi không có nhiều thời gian để cảm nhận về sự "đổi vai" như bạn đề cập, nhưng đúng hôm kết thúc nhiệm vụ đại biểu quốc hội khóa XIV, tôi bất ngờ nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trên cả nước thông qua tôi để hỗ trợ nguồn lực chống dịch cho Phú Yên. Việc đó thật sự mở ra cho tôi những cơ duyên khác để tôi được nối tiếp hành trình của mình hướng đến người dân yếu thế.

Tôi chỉ nghĩ mình thật sự may mắn vì đã gặp nhiều nguồn năng lượng tốt, những người bạn thiện tâm trong hành trình khơi nguồn và lan tỏa thái độ sống tích cực. Dù ở vai trò nào, công việc nào thì quan điểm về cuộc sống cũng như công việc của tôi vẫn thế. Tôi không cố gắng trở thành một người thành công, giá trị của niềm tin, của con người, sự tử tế sẽ là điều mà tôi luôn hướng đến.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 23

- Từng ở vị thế người giám sát, người thẳng thừng chất vấn các Bộ trưởng cũng như lãnh đạo Chính phủ tại hội trường Diên Hồng, nay vẫn là một người cá tính, "gai góc", cả trong công việc cũng như thể hiện trên mạng xã hội, như bà nói. Bà nhìn nhận việc này như thế nào?

Tôi không rõ quan điểm của bạn như thế nào về sự chuẩn mực của một quan chức khi sử dụng mạng xã hội, hay bạn nhìn nhận về tôi như thế nào thông qua hoạt động của tôi trên mạng xã hội, nhưng tôi tin mình là người sử dụng mạng xã hội có chọn lọc và khá tỉnh táo. Phần lớn, tôi chỉ bày tỏ sự vui vẻ trong cuộc sống đời thường hay lan tỏa những điều tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Đó cũng không phải là chỗ để tôi trút bỏ những cảm xúc tiêu cực hay bức xúc cá nhân trong đời sống riêng tư.

Việc một quan chức hay một người trưởng thành khi sử dụng mạng xã hội chắc chắn cần kiểm soát việc mình bày tỏ chính kiến như thế nào theo chiều hướng xây dựng hoặc phản biện đúng đắn. Còn lại, ai đó tiếp nhận những thông điệp mà tôi chia sẻ lại là một câu chuyện khác, nó thuộc về tâm ý của người tiếp nhận.

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 25

Một vấn đề nữa mà tôi muốn chia sẻ rất thẳng và rất thật với bạn, từ nhỏ, phần lớn chúng ta được dạy rằng để xây dựng các mối quan hệ tích cực, có lợi thì phải biết làm hài lòng người khác, cái gì không có lợi cho mình thì tốt nhất im lặng tạo sự đồng thuận. Về lâu dài, mang tư duy ấy vào trong hệ thống quản lý, rất có thể sẽ tạo thành một thói quen gây ảo giác về một bộ máy hoàn hảo.

Trong khi đó, phản biện hay đánh giá một thiết chế xã hội, trên thực tế, rất cần một tiếng nói riêng biệt, một tư duy độc lập để phát hiện ra những chỗ yếu của chính sách, của bộ máy mà còn điều chỉnh. Bất kỳ ai trong cộng đồng nếu ý thức được việc phản biện có ý nghĩa của "xây" chứ không phải "đập" thì quá tốt. Cho dù những tiếng nói ấy được truyền tải như thế nào, thông qua hệ thống quản lý, truyền thông hay mạng xã hội… thì cũng rất cần được xem xét chọn lọc, tiếp nhận theo chiều hướng xây dựng và cấp tiến. 

Sự can gián hay nắn chỉnh với những người có ý kiến ngược chiều chẳng những không thúc đẩy phát triển xã hội mà còn phá vỡ tính triết lý trong hoạch định và xây dựng chính sách. Bạn biết đấy, "nếu tất cả mọi người đều đang suy nghĩ giống nhau thì tức là chẳng có ai đang suy nghĩ".

Nếu ngại đụng chạm tôi đã không dại gì… gai góc! - 27

- Dự định của nữ Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho năm 2022 là gì, sau những tâm tư, day dứt bà đã thể hiện trong năm 2021 vừa qua?

Người làm chính sách như tôi, nhất là ở mảng bảo trợ xã hội sẽ khó mà dừng lại những tâm tư day dứt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi khi bên ngoài xã hội vẫn còn nhiều những mảnh đời bất hạnh mà chính sách an sinh vẫn còn xa tầm tay với của họ thì chính chúng tôi là người kết nối để họ được tiếp cận những dịch vụ khác từ nguồn xã hội hóa. Tôi không có quá nhiều dự định lớn lao, chỉ có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ vừa sức mình. Chỉ suy nghĩ rằng, làm được gì có lợi cho người dân, tôi sẽ cố gắng làm, dù ở vị trí nào đi nữa thì đó vẫn là sự lựa chọn mà tôi muốn hướng đến.

- Xin cảm ơn bà và chúc bà một năm mới vạn sự như ý!

Theo Phương Thảo - Quang Phong/Dân trí (Thiết kế: Thủy Tiên)

https://dantri.com.vn/an-sinh/neu-ngai-dung-cham-toi-da-khong-dai-gi-gai-goc-20220128082304449.htm

  • Từ khóa

Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng

Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ...
16:36 - 24/11/2024
100 lượt xem

Được hoãn nghĩa vụ quân sự 3 năm liền, có phải đi nghĩa vụ nữa không?

Tôi năm nay 21 tuổi và đã được hoãn nghĩa vụ quân sự 3 năm liền do một bên tay bị trật xương và có năm mắc bệnh về mắt.
12:16 - 24/11/2024
207 lượt xem

Miền Bắc đón đợt rét đậm đầu tiên, miền Trung mưa liên tiếp

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 23.11, một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển xuống miền Bắc nước ta.
08:29 - 24/11/2024
283 lượt xem

Hàng Nhật bị làm giả từ mỹ phẩm, thực phẩm cho tới dầu nhớt, mũ bảo hiểm

Tỉ lệ hàng Nhật Bản bị làm giả gia tăng trong những năm gần đây, đe dọa tới sức khỏe người sử dụng
20:39 - 23/11/2024
575 lượt xem

Cảnh sát giao thông có quyền ngăn chặn người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh

Theo thông tư mới của Bộ Công an, khi lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ, cảnh...
16:58 - 23/11/2024
664 lượt xem