Đột ngột mất gia đình vì dịch Covid-19, nhiều đứa trẻ trở thành mồ côi khi đang ở độ tuổi học ăn học nói.
Một tháng sau cái chết của cha, Đỗ Trần Anh Dũng (8 tuổi) vẫn ôm khư khư chiếc áo cũ cha hay mặc để ngủ mỗi đêm. "Nó vẫn còn mùi mồ hôi" - cậu bé giải thích về thói quen đặc biệt.
Cuối tháng 11, anh Đỗ Văn Tính (65 tuổi) tham gia tiêm vaccine theo diện ưu tiên tại ấp Mỹ Hòa (huyện Hóc Môn, TPHCM). Qua hôm sau, anh đổ sốt nặng, rồi lần lượt 4 người còn lại trong gia đình đều ho, nóng lạnh. Qua kiểm tra dịch tễ, toàn bộ cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Riêng anh Tính buộc phải nhập viện điều trị do chuyển biến nặng.
Anh Dũng vẫn nhớ như in hôm chiếc xe cứu thương đậu trước cửa nhà. Trước khi đi, cha cậu vẫn hứa: "Vài bữa rồi ba về nhà…". Chẳng ai ngờ, đó là lần cuối Dũng nhìn thấy ông cười.
Qua ảnh chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn, toàn bộ phổi của anh Tính lúc này đã đông đặc. Đến buổi chiều, anh bắt buộc phải chuyển lên Bệnh viện Quân Y 175 để đặt nội khí quản. Những ngày cuối cùng, chị Liên chỉ nghe ngóng tin tức của chồng qua điện thoại. 10h sáng ngày thứ 4 nhập viện, bác sĩ cho biết: "Anh nhà đang trong tình trạng nguy kịch", chị khóc thành tiếng.
Hơn một giờ đồng hồ sau thì cuộc gọi bệnh viện liên tục đổ chuông. Linh tính mách chị Liên điềm chẳng lành. Qua đầu dây, lời nữ y tá: "Xin gia đình bớt đau buồn", chị lùng bùng lỗ tai.
"Cả thời kỳ thành phố thực hiện Chỉ thị 16, anh ấy một mực đăng ký tham gia tuyến đầu. Lúc tôi cản, anh khăng khăng: "Người ta khổ sao bỏ được", rồi chạy đi cứu trợ, phát gạo, phát tiền, đồ ăn,… Tiếp xúc bao nhiêu F0 chả sao! Vậy mà giờ lại mất… Chẳng trăng trối. Chẳng gặp mặt vợ con gì cả…" - người góa phụ trẻ vừa nhìn tấm di ảnh được in vội, vừa day day khóc.
Gia đình bà Hồ Thị Ánh Nguyệt (63 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức) thì lại chịu cảnh "kẻ tóc bạc tiễn người tóc xanh", vội vã đến mức mỗi lần nghĩ lại bà vẫn trách "vì một con virus trong vòng 11 ngày gia đình tan tác".
Giữa tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, cả gia đình bà Nguyệt toàn bộ đều cho kết quả dương tính. 5 người đột ngột qua đời là nỗi chua xót không thể diễn tả thành lời. Vậy mà đến khi Huệ (29 tuổi, con gái bà Nguyệt) mang thai ở tháng thứ 7 tiếp tục ra đi vì căn bệnh.
"Chồng Huệ cách ly tập trung hơn tháng mới trở về nhà. Con nhỏ khóc lóc vì tưởng không được gặp lại nhau. Vậy mà ở cạnh nhau được đúng 7 ngày thì Huệ trở nặng. Sợ cái thai gặp chuyện, nó một mình đến viện" - bà Nguyệt nhớ lại.
Những ngày cuối cùng của Huệ, sức khỏe chị tụt dốc không điểm dừng. Thời điểm đó, bác sĩ BV Từ Dũ xác định duy trì "được lúc nào hay lúc ấy" để cứu sống cái thai non trong bụng cho chị.
Sáng sớm ngày thứ 11 nhập viện, Huệ gọi điện cho chị Hai rồi thông báo: "Con em được 29 tuần, hôm nay bác sĩ bắt bé". Nghe xong, gia đình như ngồi trên đống lửa.
Đến sớm hôm sau, Huệ gọi về lần nữa: "Con con bình an rồi nghen". Nhìn khuôn mặt Huệ trắng bệch, hơi thở gấp gáp, cả nhà đã đoán định thời khắc định mệnh. Y như rằng, 17 giây sau chiếc điện thoại trên tay Huệ đột ngột rơi xuống, tất cả gào lên tức tưởi.
"10h55 tối hôm đó thì Huệ mất. Trước lúc ra đi, nó vẫn còn dặn tôi phải giữ sức khỏe, đừng lo cho nó, kiểu gì rồi nó cũng sẽ quay trở về. Thế mà con bé có bao giờ giữ lời hứa đâu! Cứ vội vàng như thể đã trả hết nợ đời cho tôi, cho chồng, cho cái gia đình này…" - bà Nguyệt nghẹn ngào.
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại thành phố (từ ca tử vong đầu tiên vào 2/6/2021 đến ngày 16/11/2021) đã cướp đi sinh mệnh của 17.263 người dân. Tỷ lệ tử vong của TPHCM chiếm 74% trong tổng số ca tử vong vì Covid19 trên cả nước (23.270 trường hợp). Đây là cuộc ly tán lớn nhất và đau đớn nhất trong lịch sử đại dịch diễn ra tại Việt Nam.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, địa phương có hơn 1.500 trẻ dưới 18 tuổi mồ côi do đại dịch, trong đó 66 cháu mất cả cha lẫn mẹ, 19 trẻ sơ sinh mất mẹ lúc vừa chào đời.
Bằng tất cả nổ lực của chính quyền TPHCM và các tổ chức thiện nguyện, nhiều chính sách hỗ trợ hoàn cảnh mồ côi do Covid-19 đã được thực hiện. Thế nhưng, vết thương lòng thì vẫn còn hiện hữu khi những đứa trẻ đang trong độ tuổi học ăn, học nói, đột ngột mất cả gia đình. Đó là nỗi đau mà không gì có thể bù đắp được.
Chị Liên phải chọn cách nói dối rằng: Chồng mình đã đi nước ngoài, để những đứa con tiếp tục học hành. Nhưng ngày cán bộ, bộ đội mang hũ tro bằng sứ xanh có khắc hoa sen đến nhà, Anh Dũng òa lên: "Mẹ nói dối! Cha chết rồi! Mẹ giấu con làm gì?". Con trai càng trách móc bao nhiêu, càng như nhát dao cứa vào lòng khiến chị tê tái bấy nhiêu.
Khác với nhiều trường hợp trẻ có được chuẩn bị từ từ cho việc chia xa, cái chết đột ngột của người thân do Covid-19 là một sang chấn lớn, khiến trẻ em bỗng chốc mất chỗ dựa an toàn. Đặc biệt là cha, là mẹ, người gắn bó hàng ngày sẽ khiến nhiều đứa trẻ tổn thương về mặt tâm lý, nhiều trẻ trở nên thu mình, thụ động, không giao tiếp… hậu Covid-19.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên (36 tuổi, Ban Chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TPHCM) mãi không quên buổi trưa 8/8 khi anh đem tro cốt chị Nguyễn Thị Ngọc Nga về nhà trọ tại phường Tân Phú, TP Thủ Đức. Người bước ra cửa, chìa đôi tay đón nhận lại là một cô bé 4 tuổi khiến vị thiếu tá chết lặng.
"2 bao ve chai vẫn dựng ở góc tường, con bé đang dương tính với Covid-19, bàn tay không đủ lớn để ôm hết hũ cốt. Chẳng ai biết suốt thời gian mẹ nhập viện, nó đã sống như thế nào?" - anh Kiên nhớ về khoảnh khắc đầu tiên gặp bé Phạm Thị Bảo Châu.
Châu sống với mẹ đơn thân từ nhỏ, cả 2 hành nghề ve chai quanh khu vực phường Tân Phú. Thời điểm chị Nga trở nặng, được đưa đi điều trị Covid-19, Bảo Châu đã một mình ở trong căn phòng trọ.
May mắn, nhiều người dân quanh xóm trọ đã đưa Bảo Châu về chăm sóc. Thế nhưng, từ đó cô bé trầm tính, hỏi bao nhiêu cũng im lặng.
"Một mặt bé chỉ sống một mình với mẹ, không có ai là thân thích, một mặt ít tiếp xúc người lạ nên rất khó mở lòng. Có vài lần bé hỏi tôi: "Mẹ con đi viện bao lâu sẽ về?", nhưng chưa kịp trả lời thì đã tự trả lời: "Nhưng mà mẹ đã mất rồi", khiến tôi rất đau lòng" - Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên kể.
Gương mặt lạnh lẽo của Bảo Châu ngày hôm ấy khiến vị Thiếu tá không tài nào nguôi ngoai. "Mình phải làm gì? Nếu rời đi thì hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng để con bé ở đó, liệu nó có thể sống?" - câu hỏi không hồi đáp khiến anh rơm rớm nước mắt.
Ngay lập tức, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đưa Bảo Châu vào khu cách ly tập trung phường Tân Phú. Đồng thời, anh cũng báo cáo với Đảng ủy, Ban CHQS TP Thủ Đức nhờ tất cả đầu mối để có thể tìm gia đình bé.
Một tháng sau, nhờ vài dữ kiện lờ mờ từ hàng xóm, sự giúp đỡ của đồng đội, Thiếu tá Kiên đã lần mò người thân đầu tiên là cô của Châu sinh sống tại TP Vũng Tàu.
Dựa trên sự hỗ trợ của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyến xe của Ban chỉ huy quân sự chở Bảo Châu về Vũng Tàu đoàn tụ với gia đình giữa thời điểm thực hiện Chỉ thị 16. Thế nhưng, khi thấy căn nhà cũ kỹ, hoàn cảnh đáng thương của người thân còn sót lại, trái tim vị Thiếu tá một lần nữa đau đớn.
"Gia đình của người cô nghèo, để bé lại chẳng biết có nuôi nổi không? Sau thời gian ngắn, tôi xin phép được đón bé về TPHCM, nhận làm cha đỡ đầu, tiếp tục chăm sóc."
Một tuần sau đó, thiếu tá Kiên tiếp tục tìm được thông tin về 2 anh chị 10 tuổi, 8 tuổi của Bảo Châu tại phường 8, quận 4. Khi thấy 2 đứa trẻ cùng sống với người bà 87 tuổi trong căn nhà 20m2 dột nát, vị Thiếu tá không ngần ngại mà tiếp tục nhận đỡ đầu thêm 2 đứa trẻ.
Kinh tế còn nhiều khó khăn, anh Kiên đứng lên kêu gọi thực phẩm, gạo, sách vở cho các con. Biết Huy (10 tuổi) và Ngọc (8 tuổi) có thời gian dài bỏ học để đi nhặt ve chai, anh nhanh chóng động viên các con tiếp tục đến trường.
"Hiện nay các cháu đang học online, tôi đã xin thêm dụng cụ học tập, máy tính. Do các cháu có thời gian nghỉ, chưa theo kịp các bạn nên dù điều kiện phục vụ đơn vị ở xa, tôi vẫn thường xuyên gọi online để dạy thêm. Riêng Bảo Châu trầm tính nên tôi thường cho cháu ra không gian vận động, giao tiếp xã hội để làm quen" - anh Kiên mỉm cười.
Mãi một thời gian sau, Bảo Ngọc mới chủ động lại gần vị Thiếu tá, thủ thỉ: "Từ nay chú Kiên ơi! Con gọi chú bằng Ba nha. Con không có ba, con muốn có ba để được yêu thương". Người đàn ông đã khóc trong hạnh phúc.
Hỏi Anh Dũng mong mỏi gì ngày Tết, cậu bé im lặng hồi lâu rồi rưng rưng chỉ vào tấm di ảnh: "Ba!".
Đối với Dũng, Tết là khoảnh thời gian ý nghĩa nhất trong năm. Sau phiên chợ cuối cùng ngày 30 tháng Chạp, mẹ cùng cha sẽ gói ghém đồ đạc, đưa 3 chị em cậu trở về quê ngoại ở Cần Thơ. "Chị luôn muốn dành cho con tuổi thơ đẹp nhất. Dưới quê có ông bà, họ hàng, được chạy nhảy vui đùa nên chúng rất vui. Năm nay, anh ấy vẫn tính sẽ đưa gia đình về… Vậy mà…" ." - chị Liên nói.
Cả đêm giao thừa, chị Liên và các con thường ngồi quanh nồi bánh chưng sôi ùng ục, vừa cắn hạt dưa vừa trò chuyện với gia đình. Mùng 1, mùng 2 Tết, chị đưa con đi thăm tất cả họ hàng, cho tụi trẻ con đốt nhang lạy ông bà tổ tiên để ghi nhớ cội nguồn.
Nhưng từ năm nay, tất cả chỉ còn là ký ức!
3 tháng sau ngày mất của chồng, chị Liên vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau. Chị nghỉ bán, thay anh Tính tiếp tục công việc hỗ trợ người dân tại ấp mà khi còn sống anh dang dỡ. "Chị sẽ ở lại đây làm thay anh, rồi chăm lo bàn thờ thôi. 3 đứa nhỏ nó hiểu nên không đòi hỏi gì. Từ lúc cha mất, sáng trước giờ học và trước giờ cúng cơm, Dũng vẫn đốt nhang, làm công việc nhà. Nó giống ba lắm!" - chị Liên kể.
Hơn một tháng con gái mất, bà Nguyệt mới nhận được cuộc gọi từ bệnh viện cho biết đứa cháu đã đủ điều kiện trở về nhà. Hôm nhìn đứa cháu nặng 1 ký 9, nhỏ xíu như con gà con nằm trong chiếc lồng kính, bà Nguyệt không cầm được nước mắt, chẳng dám ẵm bồng vì sợ làm cháu đau.
Đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi cấp tính, suốt 1 tháng đầu tiên, gia đình bà Nguyệt thay nhau chăm thuốc. Đêm nào ngang qua bàn thờ cô con gái, bà cũng vấn trời vái đất, mong đứa cháu được sống. Thế mà qua tháng thứ 3, thằng bé đã lớn bằng trái gấc, rồi như quả dừa… Bây giờ 5 tháng thì đã nặng 8 ký hơn.
Đứa cháu được gia đình Nguyệt đặt tên là Bùi Khải Nguyên - nghĩa là khởi đầu vẹn tròn và hạnh phúc.
Tết năm nay, bà Nguyệt cảm thấy mình vẫn còn nhiều may mắn. Vì ở bên kia dốc của đời vẫn còn nhận được diễm phúc trời ban. Và vì trước khi Huệ mất, trong giờ phút cuối cùng cuộc đời, con gái bà vẫn dùng tình mẫu tử thiêng liêng để một mầm non được chào đời.
Theo Quốc Huy/Dân trí
Ảnh: Hải Long; Thiết kế: Nguyễn Vượng
https://dantri.com.vn/xa-hoi/cai-tet-dau-tien-cua-nhung-dua-tre-mo-coi-do-covid19-20220121014119645.htm