"Di chứng, hậu quả sau khi mắc Covid-19 còn gây nhiều tranh cãi, cần nghiên cứu, phân tích. Vì vậy, phương án tốt nhất hiện nay là cố gắng giữ để không ai mắc Covid-19", Phó Chủ tịch TPHCM nói.
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của UBND quận 3 - quận trung tâm thành phố - diễn ra sáng 11/1, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã giành phần lớn thời gian để nói về một năm 2021 chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh, dù đã đạt những kết quả đáng tự hào trong công tác phòng, chống dịch, thành phố sẽ đánh mất những thành quả ấy nhanh hơn nhiều so với quãng thời gian gắng sức để có được.
"Năm 2021, chúng ta đã trải qua nhiều điều chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 là giai đoạn rất khó khăn của TPHCM, có những lúc tưởng như khó vượt qua do đặc điểm kỳ lạ của biến chủng Delta. Công tác phòng, chống dịch còn có lúc lúng túng, khó khăn", ông Dương Anh Đức điểm lại.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Q.H.).
Hậu Covid-19 còn nhiều tranh cãi
Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, sau những nỗ lực không ngừng cùng sự trợ giúp từ Trung ương, các địa phương bạn, toàn địa bàn đã chính thức trở thành vùng xanh - cấp độ một của dịch Covid-19. Trong đó, quận 3 trở thành điểm sáng khi đạt cấp độ an toàn với dịch Covid-19 trong 4 tuần liên tục.
"Thành quả này là rất đáng quý nhưng cũng nhắc nhở chúng ta luôn phải trân trọng và đề phòng những nguy cơ phía trước. Để nhớ công lao những người đã bỏ mồ hôi, công sức, tính mạng để có ngày hôm nay, chúng ta cần siết chặt đội ngũ, tiếp tục đưa TPHCM và quận 3 ngày càng phát triển", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
TPHCM đã đạt những kết quả khả quan trong công tác phòng, chống Covid-19 (Ảnh: Hữu Khoa).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng lưu ý, nếu xuất hiện sự chủ quan, những thành quả này sẽ mất đi nhanh hơn thời gian toàn thể hệ thống chính trị, người dân cố gắng để có được. Điều cần ghi nhớ hiện tại là không được để tâm lý buông lỏng, chủ quan tồn tại.
Lãnh đạo UBND TPHCM cũng đặt vấn đề, thời gian gần đây, Việt Nam cũng như thế giới đã nói nhiều về giai đoạn hậu Covid-19. Trong đó, có những người chịu di chứng nhẹ như mất vị giác, khứu giác trong thời gian dài, nặng hơn là tổn thương nội tạng dù đã được bảo vệ cẩn thận.
"Những di chứng, hậu quả sau Covid-19 mang lại còn gây nhiều tranh cãi, cần thời gian để nghiên cứu, phân tích. Vì vậy, phương án tốt nhất hiện nay là cố gắng giữ để không ai mắc Covid-19", ông Dương Anh Đức nhìn nhận.
Học sinh mầm non đến lớp 6 có thể đến trường sau Tết
Lãnh đạo UBND TPHCM chia sẻ, hiện tại, toàn địa bàn đang khôi phục dần môi trường để các em học sinh có thể học tập bình thường. Theo lộ trình hiện tại, học sinh từ lớp 7 trở lên đã có thể đi học trực tiếp, song song với việc học trực tuyến.
Đối với các khối lớp từ mầm non đến lớp 6, UBND thành phố đã yêu cầu Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch để các cháu có thể quay lại trường từ sau Tết Nguyên đán. Phương châm của thành phố là tạo điều kiện hết sức cho các em được học tập nhưng phải đảm bảo an toàn với dịch Covid-19.
TPHCM đang xây dựng kế hoạch để học sinh từ mầm non đến lớp 6 tới trường sau Tết (Ảnh: Hải Long).
"Thế hệ học sinh hiện nay đã chịu thiệt thòi trong suốt 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chúng ta cần bù đắp lại cho các cháu trong thời gian tới bằng việc tạo điều kiện học tập tốt nhất. Trẻ em là tương lai của đất nước", Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm tiếp theo, TPHCM đã xây dựng chiến lược y tế, chiến lược phòng thủ để bảo vệ người dân trước dịch bệnh. Bên cạnh dịch Covid-19, ngành y tế thành phố còn cần ứng phó với các loại dịch bệnh thông thường khác.
"Quận 3 cùng các địa phương khác cần giữ vững các trụ cột gồm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3, điều trị F0, chú trọng đến chăm sóc các bệnh nhân giai đoạn hậu Covid-19", ông Dương Anh Đức giao nhiệm vụ.
Kết luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu, các địa phương cần chung tay để thực hiện công tác chăm lo Tết Nhân Dần chu đáo. Ông Đức nhấn mạnh, Tết năm nay mang ý nghĩa rất đặc biệt bởi, bên cạnh sự đầm ấm vốn có của dịp lễ, nhiều gia đình đã phải trải qua những đau thương, mất mát trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.
Do vậy, bên cạnh các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, các cấp chính quyền thành phố cần chia sẻ đối với những gia đình, cá nhân không gặp may mắn do đại dịch. Trong phần việc này, các quận, huyện cần triển khai sớm, huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/khi-di-chung-hau-covid19-con-gay-tranh-cai-tot-nhat-khong-de-ai-mac-benh-20220111105835587.htm