Liên tục trong nhiều ngày qua, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số F0 ghi nhận mới mỗi ngày với trên 2.700 ca.
Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về ca bệnh mới
Liên tục trong nhiều ngày qua, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số F0 ghi nhận mới mỗi ngày với trên 2.700 ca. Con số này gần chạm mức dự báo khoảng 3.000 F0 được ghi nhận mỗi ngày vào dịp cuối năm của các cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, nhiều quận nội thành trở thành "điểm nóng" về tình hình dịch của Thủ đô. Theo thống kê, hiện 3 địa bàn đứng đầu về số ca Covid-19 kể từ khi Hà nội thực hiện chiến lược "thích ứng Covid-19" bao gồm: Hoàng Mai (6.572 ca), Đống Đa (6.035 ca), Nam Từ Liêm (4.241 ca).
Trên toàn thành phố, dịch vẫn ở cấp độ 2. Ở cấp quận, huyện, thị xã, có 2 địa phương cấp độ một là Phúc Thọ, Phú Xuyên; 8 địa phương cấp độ 3 là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên; 20 quận, huyện, thị xã còn lại ở cấp độ 2.
Nhiều chuyên gia lo ngại tình hình dịch tại Hà Nội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, khi nhu cầu di chuyển, tiếp xúc của người dân tăng vọt dịp cuối năm.
Giảm ca nặng, ca tử vong là mục tiêu chính
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, với diễn biến dịch tại Hà Nội, hiện không còn quá quan trọng số lượng bệnh nhân mắc mới.
Theo vị này, vấn đề mấu chốt là tập trung thực hiện tốt việc thu dung, điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ, để giảm ca bệnh diễn biến nặng và ca tử vong.
Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, vấn đề mấu chốt hiện tại là thực hiện tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân có nguy cơ, để giảm ca bệnh diễn biến nặng (Ảnh minh họa).
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội, thành phố nên tập trung vào các ca bệnh nặng, nguy kịch để giảm tỷ lệ tử vong.
Cũng theo PGS Hải, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 20 - 30 F0 trong tình trạng nặng. Đến nay, bệnh viện có gần 200 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong số này, 40-60 người phải thở máy.
"Một bệnh nhân nặng phải thở máy đòi hỏi số lượng người phục vụ nhiều hơn rất nhiều so với bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp cứu đến giai đoạn hậu Covid-19, có những bệnh nhân nằm một tháng, thậm chí hơn 2 tháng khi ra viện vẫn phải thở oxy", bác sĩ Hải thông tin.
Nhiều thay đổi trong chiến lược chống dịch khi F0 tăng nóng
Hà Nội đã có nhiều thay đổi trong cách chống dịch (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).
3 giải pháp chính để chống dịch
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội sáng 7/1, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay cần được tập trung thực hiện, gồm: tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà; hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.
Tăng cường bảo vệ đối tượng nguy cơ cao
UBND TP Hà Nội cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp để tăng cường bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao.
Theo đó, các địa phương được yêu cầu khẩn trương rà soát, lập danh sách, thống kê, quản lý chặt người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19, tổ chức triển khai các nội dung nhằm bảo vệ nhóm người này như: Thành lập các tổ tiêm vaccine lưu động tại hộ gia đình và triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 cho những người này; tổ chức phân loại, quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 từ cơ sở, từ sớm ngay khi mắc; có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ bệnh chuyển nặng, tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Sở Y tế Hà Nội cũng hướng dẫn quản lý, chăm sóc người bệnh lý nền, người có nguy cơ cao; kịp thời cập nhật, hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến bệnh và điều kiện thực tế của thành phố; theo dõi việc rà soát, quản lý, triển khai các nội dung nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao tại các quận, huyện, thị xã để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
Lần thứ 6 thay đổi chiến lược phân luồng thu dung F0
Sở Y tế Hà Nội vừa qua cũng đã thay đổi phân luồng tiếp nhận, điều trị F0, đây là lần điều chỉnh thứ 6 kể từ khi dịch bùng phát ở thủ đô.
Theo hướng dẫn mới này, việc phân luồng điều trị với người bệnh Covid-19 được chia thành 4 yếu tố nguy cơ gồm:
Nguy cơ thấp: Tuổi 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ trên 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường SpO2 từ 97% trở lên. Những trường hợp này được điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện (tầng 1). Ngoài ra, tuổi trên 3 tháng và đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% điều trị tại nhà (tầng một).
Nguy cơ trung bình: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định; tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vaccine; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như: Sốt, ho, đau họng, khó thở… và SpO2 từ 97% trở lên điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thành phố.
Nguy cơ cao: Mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi; SpO2 từ 90% đến 96% điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2 hoặc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đối với bệnh nhân sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.
Nguy cơ rất cao: Với trường hợp có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 90% điều trị tại các bệnh viện tầng 3: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Bệnh viện Phụ sản đối với bệnh nhân sản khoa hoặc điều trị tại bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/f0-trong-ngay-lien-tuc-dung-dau-ca-nuoc-ha-noi-chong-covid19-nhu-the-nao-20220110212622797.htm