Mỹ đang tăng sức ép quân sự lên Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì vấn đề Biển Đông và Washington cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Máy bay ném bom B-1 của Mỹ (Ảnh: AFP)
Vài tuần trở lại đây, các tàu Hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ thực hiện các sứ mệnh nhằm phát đi thông điệp rằng quân đội Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện ở khu vực và khẳng định cam kết với các đồng minh.
Cùng lúc đó, Mỹ cũng tăng cường sức ép ngoại giao với Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch khiến Covid-19 lan rộng toàn cầu.
Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để giành ưu thế về quân sự và kinh tế với việc mở rộng địa bàn hoạt động.
Lầu Năm Góc cũng khẳng định, Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến năng lực của quân đội Mỹ, đặc biệt năng lực ứng phó với các hành động của Trung Quốc. “Chúng tôi đủ khả năng để đưa hỏa lực tầm xa đến bất cứ đâu, bất cứ khi nào và có thể huy động hỏa lực áp chế kể cả trong giai giai đoạn đại dịch”, Tướng Timothy Ray, Tư lệnh Bộ chỉ huy Không kích toàn cầu của Không quân Mỹ, nói với CNN.
Hôm 13/5, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ bất ngờ thông báo, toàn bộ tàu ngầm của đơn vị này ở khu vực đang hoạt động ngoài khơi “để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Mặc dù quân đội Mỹ gần đây đã chấm dứt sự hiện diện của các máy bay ném bom ở đảo Guam trên Thái Bình Dương lần đầu tiên kể từ năm 2004 nhưng Không quân tiếp tục triển khai các máy bay ném bom tới khu vực. Những tuần gần đây, các máy bay B-1 xuất phát từ các căn cứ ở Mỹ đã được triển khai ít nhất 3 lần ở khu vực, trong đó có sứ mệnh tuần tra ở Biển Đông. Cuối tháng trước, Hải quân Mỹ cũng thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)
Hôm 13/5, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan. Việc Mỹ điều tàu qua khu vực nhạy cảm này được cho là nhằm phát đi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc.
Không ai cho rằng Mỹ chuẩn bị xung đột với Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tiếp tục nhấn mạnh chiến lược đối phó Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi quan ngại việc Trung Quốc gia tăng hoạt động cơ hội, đe dọa các nước láng giềng và đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông trong khi khu vực và thế giới tập trung đối phó đại dịch Covid-19”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn bình luận.
“Chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình tự do hàng hải toàn cầu, các tàu của hải quân Mỹ tiếp tục thách thức một cách an toàn và chuyên nghiệp những tuyên bố chủ quyền biển phi lý, trong đó có Biển Đông. Chúng tôi cũng thực hiện các chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan để tiếp tục khẳng định quân đội Mỹ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, ông Kafka nói.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đe dọa các nước trong khu vực. Hồi giữa tháng 4, Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát và khoảng 10 tàu hải cảnh để gây sức ép với tàu thăm dò do công ty dầu khí Malaysia vận hành ở vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Ngay lập tức Mỹ đã đưa tàu chiến đến gần khu vực này trong một động thái được cho là nhằm phát đi thông điệp tới Bắc Kinh rằng Hải quân Mỹ có thể thách thức mọi hoạt động của Trung Quốc tìm cách độc chiếm tài nguyên ở khu vực.
“Trung Quốc cần ngừng việc đe dọa các nước Đông Nam Á để độc chiếm tài nguyên dầu, khí đốt và các ngư trường. Hàng triệu người trong khu vực đang phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này”, Đô đốc John Aquilino, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói.
Theo Minh Phương/Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-tang-suc-ep-quan-su-voi-trung-quoc-20200515141943451.htm