Cô dâu và chú rể cùng khách mời thực hiện lễ cưới qua mạng trực tuyến, thu hút hàng nghìn người theo dõi.
Ấn Độ nổi tiếng với những đám cưới xa hoa kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, vì lệnh phong tỏa và cấm tụ tập đông người do Covid-19, Sushen Dang và Keerti Narang lựa chọn thay đổi nghi thức truyền thống. Nhờ thầy cúng chọn ngày lành, họ tổ chức đám cưới qua Internet.
"Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng đám cưới trực tuyến của mình lại hoành tráng như thế", Dang, chú rể 26 tuổi, nhà phân tích dữ liệu, nói trong đám cưới hôm 19/4.
"Một trăm khách đã tham dự qua ứng dụng. Chúng tôi cũng phát trực tiếp qua Facebook và được hơn 16.000 người theo dõi".
Đám cưới của Sushen Dang và Keerti Narang. Video: AFP.
Dang quấn khăn và mặc áo dài sherwani truyền thống, lên mạng từ Mumbai, thành phố ven bờ biển Arab, còn cô dâu Narang mặc váy cưới đỏ, đăng nhập từ Bareilly ở bang Uttar Pradesh, miền nam Ấn Độ, sát biên giới Nepal.
Thầy cúng thực hiện các nghi thức cưới trong lúc ngồi trước lò lửa tại nhà riêng ở Raipur, bang miền trung Chhattisgarh. Khách mời đăng nhập từ Delhi, Guargaon và Bangalore, trung tâm công nghệ ở miền nam Ấn Độ.
Vài trục trặc nhỏ xảy ra như một số thành viên gia đình lớn tuổi bị tắt tiếng hay camera bị thú cưng che mất. Tuy nhiên, nó vẫn diễn ra đầy vui vẻ, cô dâu, chú rể và họ hàng cùng nhau nhảy múa kiểu Bollywood.
Đám cưới thu hút gần 260.000 lượt xem trên mạng, khiến đôi vợ chồng mới cưới "cảm thấy mình như người nổi tiếng".
Covid-19 bùng phát buộc Ấn Độ phải thực hiện chính sách phong tỏa khi mùa cưới đến. Chỉ riêng bang miền tây Rajasthan đã có khoảng 23.000 đám cưới trùng với lễ hội Akshaya Tritiya của người Ấn Độ hôm 26/4 phải hủy do dịch.
Mỗi năm có khoảng 10 triệu đám cưới được tổ chức ở quốc gia 1,3 tỷ người này. Ngành công nghiệp cưới ở Ấn Độ ước tính trị giá 40-50 tỷ USD. Quốc gia này giống như nhiều nước trên thế giới, đang khó khăn vì tác động của Covid-19. Những công ty tổ chức sự kiện, nhà hàng, trang trí, nằm trong số những doanh nghiệp tổn thất nặng nhất.
"Chúng tôi nghĩ rằng tại sao mình không là người tiên phong tổ chức đám cưới online nhỉ?" Adhish Zaveri, giám đốc tiếp thị của trang web mai mối Shaadi.com, đơn vị tổ chức đám cưới cho Dang và Narang, nói.
"Đám cưới có lẽ là ngày trọng đại nhất trong cuộc đời một người và chúng tôi nghĩ rằng phải làm cho nó thật đặc biệt, giống đám cưới bình thường nhất có thể", anh bày tỏ.
Đám cưới trực tuyến là một trong số những hôn lễ cải biến nghi thức ở Ấn Độ trong thời gian phong tỏa. Một đôi vợ chồng ở Uttar Pradesh đã kết hôn trong đồn cảnh sát khi những địa điểm thông thường như phòng tiệc, khách sạn, đền thờ phải đóng cửa.
Tại Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, cô dâu và chú rể đã đeo khẩu trang, trao vòng hoa, nghi thức quan trọng trong lễ cưới, nhờ cách gắn hoa vào que tre để tránh tiếp xúc.
Zaveri cho biết đám cưới trực tuyến tốn ít chi phí hơn có thể là một lựa chọn cho những đôi vợ chồng không biết dịch sẽ kéo dài bao lâu. Dang và Narang đã chi 1.300 USD cho dịch vụ, Zaveri cho biết, nói thêm đã tổ chức được 12 đám cưới tương tự.
Cô dâu được thợ hướng dẫn trang điểm và mặc váy qua mạng. Một ca sĩ ca hát để khuấy động không khí. Mọi người tham gia đểu được gửi mật khẩu và thông tin đăng nhập để người lạ không thể xen vào.
Kirti Agrawal lấy chồng là Avinash Singh Bagri hôm 14/4 trên ban công nhà họ hàng, khi bạn bè và gia đình theo dõi qua ứng dụng hội nghị trực tuyến.
"Gia đình chú rể vốn lên danh sách mời 8.000 - 10.000 khách", Agrawal nói. "Tôi không nói với họ là mình không thích đám cưới lớn. Nên khi nghe được tin tổ chức đám cưới trực tuyến tại nhà thế này, tôi đã rất vui".
Ấn Độ đã áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với 1,3 tỷ dân từ 25/3 để kiềm chế Covid-19 lây lan. Chính phủ yêu cầu người dân ở nhà, đình chỉ mọi phương tiện công cộng, dịch vụ đường sắt và hàng không. Hôm 4/5, Ấn Độ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ ba châu Á với hơn 56.000 ca nhiễm, hơn 3.300 ca tử vong.
Theo Hồng Hạnh/VnExpress (nguồn AFP)
https://vnexpress.net/dam-cuoi-online-nghin-nguoi-theo-doi-thoi-covid-19-4096472.html