24
/
91005
Gần 258.000 người chết vì nCoV toàn cầu
gan-258-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau
news

Gần 258.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thứ 4, 06/05/2020 | 07:42:46
357 lượt xem

Thế giới ghi nhận gần 258.000 người chết vì nCoV trong hơn 3,7 triệu ca nhiễm, giữa lúc nhiều nước nới phong tỏa và các hoạt động dần khôi phục.

212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 3.721.393 ca nhiễm và 257.867 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 81.777 và 6.146 so với hôm qua, trong đó 1.238.537 người đã hồi phục, theo thống kê của WorldoMeters.

Nhân viên y tế làm việc trong phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở phía nam Tokyo, Nhật Bản hôm 4/5. Ảnh: Reuters.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.235.919 ca nhiễm nCoV, tăng 23.084 ca so với hôm trước. Thêm 2.242 người chết vì nCoV, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 72.163. 

Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thuộc Đại học Washington, Mỹ, tăng ước tính số người chết vì nCoV tại nước này từ hơn 72.000 lên 135.000, trong bối cảnh nhiều bang nới phong tỏa. Tổng thống Donald Trump cũng nói rằng khoảng 80.000-100.000 người có thể chết trong đại dịch ở Mỹ, cao hơn dự báo dưới 70.000 ca tử vong do Nhà Trắng đưa ra gần đây.  

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 185 người chết do nCoV, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 25.613, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Italy và Anh. Số ca nhiễm tăng 2.260, lên 250.561.  

Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm qua cho biết hơn 70% số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ là nhân viên y tế. Tổng cộng 43.956 trường hợp, tương đương 18% số ca nhiễm toàn quốc, liên quan đến nhân viên y tế. Tuy nhiên, Fernando Simon, điều phối viên phản ứng khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha, cho biết những nhân viên y tế nhiễm nCoV "ít nghiêm trọng hơn" so với các trường hợp nói chung, có thể do họ phần lớn trẻ hơn.    

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hạ nhiệt, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế, dù chính phủ vẫn xem xét kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tới ngày 23/5. Người dân hiện được phép đi dạo hoặc tập thể dục, các doanh nghiệp nhỏ cũng được tiếp những khách hàng hẹn trước.

Italy ghi nhận thêm 1.075 ca nhiễm và 236 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 213.013 và 29.315. Đây là những số liệu mới thấp nhất được báo cáo trong hai tháng qua.  

Một phân tích do Istat, cơ quan thống kê quốc gia Italy, công bố hôm 4/5 cho rằng số người chết vì nCoV trên thực tế tại nước này có thể cao hơn nhiều so với báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Dân sự.    

Italy từ tuần này bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trưởng học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn phải đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục. Nhiều người Italy cho rằng việc nới hạn chế nCoV không giúp cải thiện kinh tế và sức khỏe tinh thần của họ.    

Theo dữ liệu mới do Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố hôm qua, tính đến 24/4, 29.648 người đã chết tại Anh và Xứ Wales với Covid-19 được đề cập trong giấy chứng tử. Khi tính thêm những ca tử vong tại Scotland và Bắc Ireland, số người chết do Covid-19 trên toàn Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland hiện là 32.313, cao nhất châu Âu.  

Tuy nhiên, theo thống kê do chính phủ tiến hành hàng ngày, số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Anh lần lượt là 194.990 và 29.427.  

Số liệu do ONS công bố được cho là khiến áp lực đối với Thủ tướng Boris Johnson càng gia tăng, sau khi chính phủ của ông hứng hàng loạt chỉ trích vì phản ứng chậm trước đại dịch. Johnson cho biết Anh đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn "trong giai đoạn nguy hiểm".

Sau hơn một tháng phong tỏa, Anh dự kiến đánh giá công tác chống dịch vào ngày 7/5 và lộ trình nới các hạn chế sẽ được công bố vào tuần sau, khi nhiều người lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp "cách biệt cộng đồng".

Pháp xác nhận thêm 1.089 ca nhiễm và 330 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 170.551 và 25.531.

Với một số dấu hiệu khả quan, như số trường hợp điều trị tích cực liên tục giảm, Pháp dự kiến bắt đầu nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ ngày 11/5. Giới chức cho biết tình hình dịch bệnh đang ổn định, nhưng cảnh báo vẫn phải thận trọng để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Đức ghi nhận thêm 593 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 166.745, trong đó 6.993 người đã chết. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.

Bất chấp kêu gọi thận trọng của Thủ tướng Angela Merkel, chính quyền các địa phương đang tăng cường nới lỏng những biện pháp hạn chế nhằm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Bavaria, bang lớn nhất đất nước, tuyên bố sẽ tái mở cửa nhà hàng và khách sạn trong tháng này.

Nga hôm qua đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận trên 10.000 ca nCoV mới, khi báo cáo thêm 10.102 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 155.370. Những ca nhiễm mới bao gồm 4.961 ca không triệu chứng, tương đương 49,1%. Số người chết vì nCoV của nước này cũng tăng lên 1.451 sau khi ghi nhận 95 ca tử vong mới.    

Sergei Avdeyev, chuyên gia của Bộ Y tế Nga, cảnh báo Covid-19 "còn lâu mới đạt đỉnh" ở nước này và khó có thể đoán được Nga đang ở giai đoạn nào của đại dịch. Theo Avdeyev, càng nhiều người vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh, số ca nhiễm và tử vong sẽ càng tăng. Tổng thống Vladimir Putin cho biết lệnh phong tỏa ở Nga có thể được gia hạn "tùy thuộc vào diễn biến tình hình" đại dịch.      

Tại Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất khu vực với 114.715 ca nhiễm và 7.921 ca tử vong, tăng lần lượt 6.449 và 578. Các chuyên gia đang chuẩn bị cho tình huống tồi tệ hơn tại nước này, do dịch bệnh được dự báo vài tuần nữa mới đạt đỉnh.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết chống lại việc phong tỏa đất nước, chỉ trích những thống đốc bang đang duy trì các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19 là "vô trách nhiệm và không thể chấp nhận", bởi cho rằng điều này khiến người dân mất việc làm.  

Mexico báo cáo 24.905 ca nhiễm và 2.271 ca tử vong, tăng lần lượt 1.434 và 117 ca. Số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với thống kê.

Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell tuyên bố nước này "đang chiến thắng" trong cuộc chiến chống Covid-19 và đủ khả năng vượt qua đỉnh của đại dịch, được dự báo diễn ra trong tuần này. Tuy nhiên, ông cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai có nguy cơ tấn công vào tháng 10.  

Tại Trung Đông, Iran vẫn là vùng dịch lớn nhất với 99.970 ca nhiễm, tăng 1.323 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận thêm 63 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì nCoV lên 6.340. Bộ Y tế Iran cho biết 80.475 người đã bình phục và xuất viện, trong khi 2.685 ca đang nguy kịch.  

Iran đã mở cửa lại các nhà thờ Hồi giáo tại một số vùng được cho là có nguy cơ thấp, sau khi thông qua kế hoạch nối lại hoạt động của doanh nghiệp theo giai đoạn từ hôm 11/4. Tuy nhiên, thành phố Qom, tâm dịch của đất nước, vẫn có "xu hướng gia tăng" số ca nhiễm mới.

Arab Saudi ghi nhận 1.595 ca nhiễm mới và 9 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 30.251 và 200.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 462 ca nhiễm mới và thêm 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 15.192 và 146.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 2.963 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm cả nước lên 49.400. Thêm 127 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.693, trong khi hơn 14.000 người đã hồi phục.  

Ấn Độ dường như đã tránh được kịch bản bị Covid-19 tàn phá nặng nề như một số nước khác dù có dân số đông thứ hai thế giới. Giới chuyên gia cho rằng điều này có thể do Ấn Độ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngay từ 25/3, khi mới ghi nhận 60 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê, do nhiều người tại Ấn Độ không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.  

Chính phủ Ấn Độ đã mở chiến dịch "khổng lồ" nhằm hồi hương hàng chục nghìn công dân mắc kẹt ở nước ngoài, huy động các máy bay chở khách và tàu hải quân thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, người dân sẽ phải tự trả chi phí chuyến đi và bị cách ly 14 ngày sau khi về nước.

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.352 ca nhiễm nCoV, nâng số người nhiễm toàn khu vực lên 51.271, trong đó 1.694 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 19.410 ca nhiễm và 18 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 12.071 và 872. Philippines, vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 9.684 người nhiễm nCoV và 637 người chết.    

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước chưa ghi nhận ca tử vong nào do nCoV.    

Theo Ánh Ngọc/VnExpress (Nguồn Worldometers, Reuters, AFP)

https://vnexpress.net/gan-258-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cbau-4094703.html


  • Từ khóa

Châu Á 'bốc hỏa' tới khi nào?

Khắp châu Á đang hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng, nhiều nơi có nhiệt độ phá kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng trăm triệu người.
18:02 - 02/05/2024
120 lượt xem

Bộ Quốc phòng Campuchia thông tin nguyên nhân nổ căn cứ quân sự làm 20 người chết

Trong tuyên bố ngày 2-5, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết các nhà điều tra tin rằng đợt nắng nóng hiện tại gây nổ căn cứ quân sự làm 20...
16:25 - 02/05/2024
176 lượt xem

100 trường học ở Ấn Độ đồng loạt bị đe dọa đánh bom

Có tới 100 trường học trên khắp Delhi và vùng thủ đô quốc gia (NCR) của Ấn Độ đã nhận được thư điện tử đe dọa đánh bom. Trong đó, hàng chục trường học đã...
15:12 - 02/05/2024
207 lượt xem

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh...
14:44 - 02/05/2024
210 lượt xem

Thủ tướng Campuchia: Đang có nỗ lực phá hoại dự án xây kênh đào Phù Nam Techo

Phát biểu hôm 1-5, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói ông biết một nhóm đối lập có trụ sở tại Mỹ đang âm mưu phá hoại việc xây kênh đào Phù Nam Techo,...
11:47 - 02/05/2024
276 lượt xem