Thế giới ghi nhận gần 165.000 ca tử vong do nCoV trong tổng số gần 2,4 triệu ca nhiễm, phần lớn ở Mỹ và các nước châu Âu.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.394.291 ca nhiễm nCoV tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 164.938 người tử vong và 611.880 người đã hồi phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 755.533 ca nhiễm, 40.461 ca tử vong do nCoV và 67.172 người đã hồi phục.
Nhân viên y tế bước qua một chiếc lều dùng để xét nghiệm nCoV tại bệnh viện đa khoa Kawakita ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/4. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 công bố hướng dẫn tái khởi động nền kinh tế sau Covid-19, vạch ra quá trình mở cửa lại nước Mỹ gồm ba giai đoạn. Hướng dẫn không đề xuất ngày mở cửa cụ thể. Thay vào đó, kế hoạch này khuyến khích các bang tự dựa vào dữ liệu riêng để ra quyết định.
Một số người dân ở Minnesota, Michigan, Ohio, Bắc Carolina, Virginia và các bang khác vài ngày qua biểu tình phản đối kéo dài lệnh yêu cầu công chúng ở nhà. Trump bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình, cho rằng nên mở cửa trở lại ở các bang dịch bệnh không quá nghiêm trọng.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 4.258 ca nhiễm và 410 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 198.674 và 20.453. Số ca tử vong ở mức thấp nhất trong gần một tháng qua, cho thấy các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà chính phủ áp dụng từ giữa tháng ba đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 18/4 vẫn quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 9/5, song với những hạn chế linh hoạt hơn, ví dụ cho phép trẻ em ra khỏi nhà trong thời gian ngắn. Hiện mới chỉ người lớn được rời nhà để đi làm, mua thực phẩm, khám bệnh hoặc mua thuốc.
Italy báo cáo 3.047 ca nhiễm mới, nâng số người nhiễm lên 178.972. Nước này ghi nhận thêm 433 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 23.660.
Chính quyền tuyên bố chiến thắng Covid-19 ở các khu vực miền nam, trong khi những lãnh đạo của trung tâm công nghiệp ở miền bắc đang hối thúc Thủ tướng Giuseppe Conte cho phép mở cửa trở lại càng nhiều doanh nghiệp và ngành công nghiệp càng tốt vào đầu tháng 5.
Pháp ghi nhận thêm 1.101 ca nhiễm và 395 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 152.894 và 19.718.
Pháp đang thử nghiệm cách ly bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng có tình trạng sức khỏe ổn định và chưa đến mức phải nhập viện trong khách sạn. Biện pháp này nhằm tránh làm bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, trong bối cảnh chính phủ đang lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, dự kiến bắt đầu từ 11/5.
Đức báo cáo thêm 1.460 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 145.184 và 4.586. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói số ca nhiễm mới ở Đức "đã giảm đáng kể" và ổ dịch đang "được kiểm soát".
Thủ tướng Angela Merkel hôm 15/4 tuyên bố Đức đã thành công bước đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 và sẽ dần nới lỏng phong tỏa. Tuy nhiên, bà cảnh báo "tình hình chưa chắc chắn, vẫn cần cẩn trọng và không nên quá hồ hởi".
Đức có kế hoạch sản xuất 50 triệu khẩu trang mỗi tuần từ tháng 8 để đảm bảo kiểm soát dịch khi nới lỏng các hạn chế. Bộ trưởng Spahn cho biết một ứng dụng trên điện thoại giúp truy vết tiếp xúc nCoV dành cho người Đức sẽ được ra mắt trong 3-4 tuần nữa.
Anh báo cáo thêm 5.850 ca nhiễm và 596 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên 120.067 và 16.060. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.
Chính phủ Anh hôm 16/4 kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngoại trưởng Dominic Raab cho hay nới hạn chế quá sớm "có nguy cơ gây thiệt hại cho cả y tế công cộng và nền kinh tế".
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 82.211 ca nhiễm và 5.118 ca tử vong. Nước này ghi nhận thêm 1.343 ca nhiễm và 87 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.
Iran đã đóng cửa trường học, hoãn các sự kiện lớn và áp đặt một loạt hạn chế khác nhưng không phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác. Chính quyền sẽ cho phép các doanh nghiệp nhỏ ở Tehran mở cửa trở lại vào ngày 18/4, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với bên ngoài thủ đô vào tuần trước. Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế nhưng các quan chức hàng đầu cho rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran khiến họ không thể đóng cửa nền kinh tế.
Tại Đông Nam Á, Singapore đã thay Indonesia trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 6.588 ca nhiễm, tăng 596 ca trong vòng 24 giờ, và 11 ca tử vong.
Phần lớn các ca nhiễm mới ở Singapore là lao động nước ngoài cư trú trong ký túc xá. Ca nhiễm mới tại ký túc xá dành cho công nhân nước ngoài tăng một phần do các nỗ lực xét nghiệm liên tục và cách ly công nhân bị nhiễm của Singapore.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, báo cáo thêm 327 ca nhiễm và 47 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 6.575 và 582.
20 bác sĩ đã tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát ở Indonesia và các nhà phê bình cảnh báo rằng số người chết được công bố là quá thấp so với thực tế ở một quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm nCoV thuộc hàng thấp nhất thế giới. Các bệnh viện không có đủ thiết bị bảo hộ cơ bản và các máy thở tinh vi là thứ xa xỉ, khiến nhiều bác sĩ phải chiến đấu với nCoV chỉ bằng áo mưa.
Philippines báo cáo thêm 172 ca nhiễm và 12 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 6.259 và 409.
Chính quyền Philippines bị chỉ trích vì chậm triển khai xét nghiệm, nhưng từ đầu tháng 4, họ đã khắc phục bằng cách tăng cường kit xét nghiệm và công suất phòng thí nghiệm nhằm xác định khoảng 15.000 ca nhiễm nCoV chưa được phát hiện. Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 13/4 thông qua ngân sách mua 900.000 kit, gấp nhiều lần so với 100.000 bộ đã được sử dụng.
Đông Timor và Lào là hai quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nCoV thấp nhất trong khu vực với 19 trường hợp. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là những nước Đông Nam Á chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19.
Theo Vũ Hoàng/VnExpress (Nguồn AFP, Reuters, CNN)
https://vnexpress.net/gan-165-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau-4087098.html