Giới chuyên gia bày tỏ hoài nghi về cách chính phủ Nhật ứng phó với Covid-19, cho rằng số ca nhiễm nCoV thực tế có thể cao hơn nhiều.
Chính phủ Nhật Bản tới nay thông báo 364 ca nhiễm nCoV trên toàn quốc, trong đó 6 người đã tử vong. Tuy nhiên, số liệu do nước này công bố đang gây ra hoài nghi từ các chuyên gia quốc tế, nhất là về cách Nhật ứng phó với Covid-19 và biện pháp cách ly tàu Diamond Princess ở cảng Yokohama hồi tháng trước.
Tại quốc gia láng giềng Hàn Quốc, số ca nhiễm đã vượt 6.000 sau khi chính phủ tiến hành xét nghiệm nCoV cho hàng chục nghìn người, cùng với đó là một chiến dịch giám sát y tế quy mô lớn áp dụng với hơn 300.000 thành viên giáo phái Tân Thiên Địa.
Trong khi đó, Bộ Y tế Nhật thông báo nước này tới ngày 4/3 mới chỉ tiến hành 8.111 xét nghiệm nCoV, dù chính phủ tuyên bố họ có khả năng làm 3.800 xét nghiệm nCoV một ngày.
Một hành khách trên du thuyền Diamond Princess rời tàu hôm 19/2 sau khi lệnh cách ly chấm dứt. Ảnh: AFP.
Hôm 4/3, Nhật ghi nhận 33 ca nhiễm nCoV mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với 696 ca từ du thuyền Diamond Princess, nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.060 người nhiễm nCoV, chỉ bằng khoảng 1/6 so với Hàn Quốc.
Nhưng theo Masahiro Kami, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Viện Nghiên cứu Quản trị Y tế Nhật, số ca nhiễm nCoV tại nước này có thể cao hơn báo cáo nhiều lần và tỷ lệ nhiễm bệnh mà chính phủ công bố chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Kami cho rằng số người không được chẩn đoán cao hơn rất nhiều so với số bệnh nhân được xét nghiệm. Rất nhiều người Nhật không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ sẽ không đến bệnh viện để xét nghiệm.
Hướng dẫn từ Bộ Y tế Nhật khuyến cáo người dân nên đi xét nghiệm nếu xuất hiện các triệu chứng giống cảm cúm, thân nhiệt trên 37,5 độ C, hoặc cảm thấy mệt mỏi, khó thở từ 4 ngày trở lên. Trong thời gian đó, họ nên tự cách ly tại nhà. Người lớn tuổi hoặc những người có các bệnh lý nền nên cảnh giác hơn và cần làm xét nghiệm nếu xuất hiện triệu chứng từ hai ngày trở lên.
Lời khuyên được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng người dân đổ đến các phòng khám và bệnh viện, gây nên tình trạng quá tải, tuy nhiên, chúng lại không mang đến nhiều tác dụng trong việc xoa dịu nỗi bất an của công chúng và kiềm chế virus lây lan, chuyên gia đánh giá.
Tỉnh Hokkaido, địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía bắc Nhật Bản, đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Đây là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chiếm hơn 1/4 trong số các ca nhiễm không thuộc tàu Diamond Princess tại Nhật.
Theo công bố từ giới chức Nhật, số bệnh nhân nhiễm nCoV ở Hokkaido hiện xấp xỉ 80 ca, nhưng Hiroshi Nishiura, nhà dịch tễ học tại Đại học Hokkaido, người hỗ trợ chính phủ Nhật xây dựng mô hình thống kê nhằm dự đoán sự lây lan của virus, cho rằng con số thực tế có thể cao gấp 10 lần.
Bộ Y Tế Nhật bác bỏ ý kiến của Nishiura, nhấn mạnh tổng số ca nhiễm của nước này tới nay chỉ trên dưới 3.000 ca.
"Chúng tôi nhận thức rõ về việc vẫn còn những người chưa được phát hiện nhiễm virus", Bộ Y tế Nhật cho biết trong thông báo gửi tới CNN, đồng thời thêm rằng họ cũng nhận thức được việc "rất nhiều người đang muốn xét nghiệm" và Bộ sẽ "mở rộng phạm vi mục tiêu" sang cả những người "có triệu chứng nhẹ".
Kenji Shibuya, giám đốc Viện Sức khỏe Dân số thuộc King's College London, nhận định dù tổng số ca là bao nhiêu, nhiều khả năng tỷ lệ nhiễm nCoV sẽ cao hơn khi số người được xét nghiệm tăng thêm. Nhằm xoa dịu lo âu của công chúng, chính phủ Nhật cần giúp người dân tiếp cận việc xét nghiệm dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với người cao tuổi, Shibuya lưu ý.
Trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông báo ông đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm trao nhiều thẩm quyền hơn cho chính quyền địa phương trong việc thực thi lệnh cấm tụ họp công cộng và khuyến khích người dân ở nhà, Shibuya gợi ý chính phủ nên tập trung vào xây dựng các kế hoạch dự phòng đối phó nếu dịch bùng phát rộng hơn.
Theo ông, việc điều trị cho những bệnh nhân nặng và bảo vệ người có nguy cơ nhiễm bệnh cao là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bởi ngay cả những người không xuất hiện triệu chứng cũng có thể truyền virus.
Kami đồng tình với quan điểm trên, khẳng định mục tiêu quan trọng nhất là ngăn virus lây lan cho người già tại các trại dưỡng lão, bệnh viện và cả nhà riêng. "Nếu người già bị nhiễm virus, tình trạng bệnh dễ trở nên nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong của nhóm người cao tuổi với nCoV là trên 10%", ông cho hay.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc và tới nay đã xuất hiện ở 90 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 3.400 người tử vong và hơn 98.000 ca nhiễm trên toàn cầu. Dịch bệnh đang phủ bóng đen lên kinh tế Nhật cũng như đe dọa số phận của Thế vận hội mùa hè 2020. Thủ tướng Abe nhấn mạnh vài tuần tới sẽ là thời gian quyết định để kiềm chế dịch bệnh.
Nhật đã thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn virus lây lan. Hàng loạt sự kiện tập trung đông người cùng các giải thể thao đã bị giảm quy mô hoặc hủy bỏ. Các công ty Nhật khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà nhằm giảm thiểu khả năng họ bị nhiễm virus tại văn phòng hay trên phương tiện công cộng.
Nhưng những tiếng nói chỉ trích lại cáo buộc Thủ tướng Abe đang ưu tiên Olympic và các mối quan hệ song phương hơn là an ninh quốc gia, đặc biệt khi Nhật không đóng cửa biên giới với Trung Quốc ở giai đoạn đầu dịch bệnh.
"Nếu so với các quốc gia khác, chính phủ Nhật Bản hành động tương đối mềm mỏng trong việc ngăn dòng người từ Trung Quốc vào nước này", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, bình luận.
Theo Nakano, chính sách trên khiến cả những người ủng hộ lẫn phản đối Thủ tướng Abe giận dữ. Tuần trước, quyết định đóng cửa hầu hết trường học trên cả nước cũng vấp phải chỉ trích mạnh mẽ, bởi nhiều bậc phụ huynh không biết xoay xở thế nào khi con cái họ không thể đến trường.
Tâm lý hoang mang gia tăng, nhiều người dân đã vội vã tích trữ nhu yếu phẩm, thậm chí cả giấy vệ sinh hay giấy ăn, sau một tin đồn trên mạng rằng hầu hết nguồn cung các mặt hàng này đều đến từ Trung Quốc, nơi các nhà máy đều đang ngừng hoạt động.
Trong bối cảnh khẩu trang và thuốc khử trùng đang bị thiếu hụt tại Nhật, chuyên gia Shibuya cho rằng cơn hoảng loạn thái quá của công chúng còn tạo ra mối đe dọa lớn hơn cả dịch bệnh.
"Cuối cùng, Covid-19 là một cơn cảm lạnh nhẹ đối với đa số mọi người, nỗi lo sợ lớn nhất không phải là về con virus mà là về sự hoảng loạn, điều không may đang xảy ra", ông nói.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/the-gioi/lo-ngai-ve-phan-chim-cua-tang-bang-covid-19-nhat-4064970.html