Virus Corona mới được thải ra trong phân của những người nhiễm bệnh.
Hình ảnh COVID-19. Ảnh: Ahealthy.
Việc tìm thấy các phần tử virus sống trong các mẫu chất thải cho thấy COVID-19 lây qua đường phân, đường miệng, Bloomberg dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Điều này có thể là lý do tại sao dịch trên các tàu du lịch trầm trọng như thường thấy với bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng.
Hơn 600 ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận trong số hành khách và thủy thủ đoàn tàu Diamond Princess - tàu du lịch bị cách ly 2 tuần ở Yokohama, Nhật Bản.
"Virus này có nhiều đường lây truyền. Điều này có thể lý giải phần nào sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh", Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc nêu trong báo cáo.
Cơ quan này khuyến nghị tăng cường các biện pháp vệ sinh để ngăn ngừa lây truyền qua đường phân, đường miệng ở khu vực có dịch. Các biện pháp này bao gồm uống nước đun sôi, tránh ăn thực phẩm sống, rửa tay thường xuyên, khử trùng nhà vệ sinh, ngăn chặn ô nhiễm thực phẩm và nước từ chất thải của các bệnh nhân nhiễm virus.
Đại dịch SARS năm 2003, một bệnh nhân SARS ở Hong Kong (Trung Quốc) bị tiêu chảy đã liên quan tới hàng trăm ca nhiễm ở khu nhà Amoy Gardens. Điều này khiến các nhà nghiên cứu của thành phố hiểu được tầm quan trọng của sự lây lan virus qua đường tiêu hóa, đồng thời nhận thức được khả năng có giới hạn của khẩu trang và tầm quan trọng của giữ vệ sinh, theo John Nicholls, giáo sư bệnh lý tại Đại học Hong Kong.
Theo Thanh Hà/Lao động
https://laodong.vn/the-gioi/them-bang-chung-ve-viec-covid-19-co-the-lay-lan-qua-duong-tieu-hoa-785882.ldo