Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi thủ tướng Anh chính thức trở thành người đứng đầu chính phủ nước này sau chiến thắng thuyết phục của Đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc Tổng tuyển cử sớm cuối năm ngoái. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định “tuần trăng mật” dành cho thủ tướng Anh đã kết thúc và ông Johnson sẽ có một số chương trình nghị sự quan trọng trong thời gian sắp tới.
1. Bắt đầu giai đoạn đàm phán hậu Brexit với EU
Sau tất cả những trở ngại, thủ tướng Anh Boris Johnson coi như đã hoàn tất một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của ông, đó là việc đưa nước Anh rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit).
Sau khi chính thức “ly hôn” với EU vào đêm thứ 6 tuần này (theo giờ Anh), vương quốc Anh sẽ bắt đầu bước vào quá trình đàm phán một hiệp định thương mại tự do mới với khối này. Tuy nhiên, các chính trị gia tại xứ sở sương mù đang đặt ra nhiều nghi vấn về tính khả thi của nhiệm vụ này sau khi ông Johnson đã ấn định hạn chót vào cuối năm nay sẽ hoàn tất quá trình đàm phán .
Bên cạnh dấu hỏi về thời gian, ông Johnson cũng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng những mục tiêu mà ông cùng với bộ sậu của mình sẽ cần phải đạt được trong quá trình đám phán với giới chóp bu của EU.
2. “Làm mới” nội các chính phủ Anh
Sau khi đảng Bảo thủ cầm quyền giành chiến thắng vang dội trong cuộc Tổng tuyển cử sớm, giới phân tích chính trị tại Anh đã và đang kì vọng một cuộc “thay máu” lớn trong nội các chính phủ nước này sẽ diễn ra vào tháng sau.
Trước đó, thành phần nội các được bổ nhiệm sau khi ông Johnson tiếp quản chức vụ thủ tướng Anh của bà Theresa May đa số là những người ủng hộ Brexit và những người ủng hộ ông trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ trước đó.
Tuy nhiên, với việc sẽ là người đứng đầu chính phủ Anh trong vòng năm năm sắp tới, nhiều khả năng ông Johnson sẽ có những sự cải tổ nội các nhằm lựa chọn những chính trị gia có quan điểm tương đồng với thủ tướng Anh trong những chương trình nghị sự quan trọng.
Hiện tại mới chỉ có Bộ trưởng Brexit Steve Barclay sẽ rời khỏi nội các của thủ tướng Anh Boris Johnson khi bộ này sẽ chính thức bị xóa sổ sau khi nước Anh chính thức rời khỏi liên minh châu Âu và Thủ tướng Anh sẽ đưa ra quyết định cho những vị trí then chốt trong nội các của minh trong thời gian sắp tới.
3. Những quan ngại về việc hợp tác với Huawei
Một trong những cam kết khác trong chiến dịch tranh cử vừa qua của thủ tướng Anh Boris Johnson là cải thiện hạ tầng viễn thông dành cho người dân tại xứ sở sương mù và dự án phủ sóng mạng di động 5G trên toàn bộ vương quốc Anh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ông Johnson thực hiện cam kết nói trên.
Hiện tại, tập đoàn Huawei của Trung Quốc, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, đang bày tỏ mong muốn hợp tác với chính phủ Anh trong việc cung cấp trang thiết bị cho dự án này. Tuy nhiên, một số chuyên gia viễn thông tại Anh đã bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh mạng khi tập đoàn Huawei có liên kết chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc.
Tập đoàn Huawei đã phủ nhận việc sẽ tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh mạng tại xứ sở sương mù và cho rằng những lo lắng chính nên tập trung vào tiến độ chậm chạp của dự án này. Được biết chính phủ Anh đã chậm trễ trong việc đưa ra quyết định liên quan đến dự án phủ sóng mạng di động 5G khiến cho các công ty viễn thông của Anh vô cùng bức xúc.
Trả lời truyền thông Anh về vấn đề này, thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sẽ đưa ra một giải pháp hợp lý để người dân có thể tiếp cận với mạng di động thế hệ mới nhất, tuy nhiên nước Anh cũng cần phải đảm bảo an ninh quốc gia và mối quan hệ đối tác chiến lược với những công ty bảo mật lớn trên thế giới.
Theo Việt Long/ Tiền Phong
https://www.tienphong.vn/the-gioi/thu-tuong-anh-voi-nhung-quyet-dinh-quan-trong-trong-thoi-gian-sap-toi-1513238.tpo