Những bức ảnh được chụp trong các sự kiện khác nhau tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phần nào cho thấy bức tranh toàn cảnh thế giới trong 10 năm qua.
Cindy Tersme nằm trên đống đổ nát của Ecole St. Gerard, một ngôi trường ở Port-au-Prince, Haiti, sau trận động đất 7 độ Richter hồi tháng 1/2010 khiến 220.000 - 300.000 người thiệt mạng. Tersme gào khóc trong đau khổ sau khi tìm thấy thi thể của em trai 14 tuổi. “Tôi có thể nhìn thấy chân của em trai tôi nhưng tôi không thể kéo nó ra”, Tersme bật khóc. (Ảnh: Getty)
Một con chim bị nhấn chìm trong dầu tại đảo East Grand Terre, Louisiana vào tháng 6/2010. Hai tháng trước đó, một vụ nổ đã xảy ra tại Deep Horizon, giàn khoan di động của hãng dầu khí BP, tại vịnh Mexico. Trong 87 ngày liên tiếp, dầu và khí methan liên tục phun ra từ một cái giếng chưa được khai thác, cách mặt nước biển khoảng 1,6 km. Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama khi đó đã mô tả vụ tràn dầu là "thảm họa môi trường kinh khủng nhất trong lịch sử nước Mỹ". (Ảnh: AP)
Nữ ca sĩ Lady Gaga mặc một chiếc váy làm từ thịt bò sống đến dự lễ trao giải MTV Video Music Awards vào tháng 9/2010. Xuất hiện tại chương trình “The Ellen DeGeneres Show” sau đó, Lady Gaga cho biết: "Chiếc váy này có nhiều ý nghĩa, nhưng đối với tôi, nếu chúng ta không đấu tranh cho những gì chúng ta tin tưởng và nếu chúng ta không đấu tranh cho quyền lợi của chính mình, sớm muộn chúng ta cũng chỉ còn lại những quyền giống như miếng thịt trên xương chúng ta mà thôi". (Ảnh: AP)
Bức ảnh chụp người phụ nữ Afghanistan có tên Aesha Mohammadzai xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time vào tháng 8/2010. Người chồng là phiến quân Taliban của cô đã trừng phạt vợ vì bỏ trốn bằng cách đâm vào mũi và tai, rồi bỏ mặc cô cho đến chết. Aesha Mohammadzai trở thành biểu tượng cho sự áp bức mà phụ nữ ở một đất nước bị chiến tranh tàn phá phải chịu đựng. Cô đã bay đến Mỹ, nơi cô đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo mũi. (Ảnh: Jodi Bieber)
Nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, được nhìn thấy ngồi phía sau cửa được phủ màu trên xe cảnh sát đưa ông đến nhà tù ở London vào tháng 12/2010. Assange là nhân vật chủ chốt trong vụ rò rỉ các tài liệu và video mật của các chính phủ. Ông đã dành gần một thập niên tại Đại sứ quán Ecuador ở London sau khi được chính phủ nước này cấp quy chế cho phép tị nạn. Tuy nhiên, quy chế này đã được rút lại vào năm 2019 và Assange có nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ, nơi ông đang đối mặt với các cáo buộc theo đạo luật gián điệp. Assange đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận hành vi phạm tội của mình. (Ảnh: AP)
Sóng thần ập vào thành phố Miyako, Nhật Bản sau trận động đất mạnh 9,1 độ Richter hồi tháng 3/2011. Trận động đất tạo nên cơn sóng thần cao tới gần 39 mét và tiến vào đất liền khoảng 10 km, phá hủy nhiều lò phản ứng hạt nhân trong khu vực. Đây cũng là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Một phiến quân ăn mừng khi đồng đội phóng tên lửa vào quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi vào tháng 4/2011. Ông Gadhafi đã bị sát hại vào tháng 10/2011 sau khi bị lực lượng phiến quân bắt giữ. Trước đó, ông Gadhafi đã nắm quyền tại Libya từ năm 1969. (Ảnh: Getty)
Hoàng tử Anh William hôn người vợ mới cưới, Công nương Kate Catherine, tại ban công của Cung điện Buckingham vào tháng 4/2011. Đám cưới lịch sử của Hoàng gia Anh đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên thế giới. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Barack Obama và các thành viên trong đội an ninh quốc gia của ông theo dõi cuộc đột kích của đặc nhiệm hải quân SEAL trong vụ vây bắt trùm khủng bố Osama bin Laden vào tháng 5/2011. "Mười bốn người chen chúc trong phòng, Tổng thống ngồi trên một chiếc ghế gấp ở góc đầu bàn. Họ ngồi trong căn phòng này cho đến khi đặc nhiệm SEAL trở về Afghanistan”, cây bút Peter Bergen của CNN kể lại vụ vây bắt bin Laden.
Bà Hillary Clinton, khi còn giữ chức ngoại trưởng Mỹ, kiểm tra chiếc điện thoại BlackBerry của bà trên máy bay quân sự hồi tháng 10/2011. Bà Clinton cho biết bà sử dụng hòm thư điện tử riêng để làm việc chính thức tại Bộ Ngoại giao và bà cảm thấy điều này rất thuận tiện. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra về việc liệu bà Clinton hay các trợ lý của bà có xử lý các thông tin mật một cách cố ý hoặc bất cẩn hay không. Năm 2016, Giám đốc FBI James Comey cho biết ông không đề nghị buộc tội bà Clinton, nhưng ông đã khiển trách bà và các trợ lý vì "cực kỳ bất cẩn" trong việc xử lý thông tin mật. (Ảnh: AP)
Phản ứng của một người biểu tình khi tòa nhà ngoại giao của Mỹ tại Benghazi, Libya bị đốt vào tháng 9/2012. Đại sứ Mỹ tại Libya và 3 công dân Mỹ khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Chính quyền Obama ban đầu cho rằng vụ tấn công này do một đám đông giận dữ thực hiện để đáp trả đoạn video được thực hiện tại Mỹ với nội dung bôi nhọ Hồi giáo và nhà tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, vụ tấn công sau đó được xác định là một cuộc tấn công khủng bố. (Ảnh: Reuters)
Trẻ em được hộ tống ra khỏi Trường tiểu học Sandy Hook sau khi xảy ra một vụ xả súng trong trường ở Newtown, Connecticut, vào tháng 12/2012. 6 người lớn và 20 trẻ em đã bị Adam Lanza, kẻ trước đó đã giết mẹ mình tại nhà, giết hại. Bức ảnh do nhà báo địa phương Shannon Hicks chụp đã được đăng lên trang nhất của hàng loạt tờ báo, tạp chí và website trên toàn thế giới. (Shannon Hicks/Newtown Bee)
Những người di cư châu Phi tại Djibouti giơ điện thoại lên để cố bắt tín hiệu rẻ tiền từ nước láng giềng Somalia vào tháng 2/2013. Djibouti là điểm dừng chân quen thuộc của những người di cư châu Phi muốn tìm kiếm cuộc sống tốt hơn tại châu Âu và Trung Đông. (Ảnh: National Geographic)
2 nạn nhân được tìm thấy trong đống đổ nát sau khi một tòa nhà 8 tầng đổ sập tại Savar, Bangladesh vào tháng 4/2013. Hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong thảm kịch này. (Ảnh: Taslima Akhter)
Một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hơi cay hồi tháng 5/2013 khi người dân phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm phá hủy công viên Gezi ở Istanbul. Các cuộc biểu tình dần biến thành phong trào phản đối chính phủ trên cả nước. (Ảnh: Reuters)
Giáo hoàng Francis ôm Vinicio Riva, một người đàn ông dị dạng mắc bệnh di truyền không lây nhiễm, trong buổi tiếp kiến công chúng tại Vantican vào tháng 11/2013. Bức ảnh chụp cái ôm của Giáo hoàng đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. (Ảnh: Shutterstock)
Người biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát tại Kiev, Ukraine vào tháng 2/2014. Quảng trường Độc lập ở Kiev đã trở thành trung tâm của các cuộc biểu tình chống chính phủ kể từ tháng 11/2013 khi Tổng thống Viktor Yanukovych đảo ngược quyết định liên quan tới thỏa thuận thương mại với EU, thay vào đó chuyển hướng sang Nga. Các cuộc biểu tình nhanh chóng dẫn tới việc lật đổ ông Yanukovych và gây ra một chuỗi sự kiện, bao gồm việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. (Ảnh: Getty Images)
Ellen DeGeneres (áo trắng), người dẫn chương trình đoạt giải Oscars, chụp ảnh “tự sướng” với các ngôi sao điện ảnh tại lễ trao giải vào tháng 3/2014. Diễn viên Bradley Cooper, người đứng hàng đầu tiên, là người cầm máy chụp ảnh. Sau đó, bức ảnh này được DeGeneres đăng lên Twitter với bình luận: “Giá như tay của Bradley dài hơn. Bức ảnh đẹp nhất từ trước đến nay". Bức ảnh này trở thành bài đăng được retweet nhiều nhất mọi thời đại (Ảnh: Ellen DeGeneres/Twitter)
Edward Crawford ném trả hộp hơi cay do cảnh sát bắn ra khi cảnh sát đang tìm cách giải tán người biểu tình ở Ferguson, Missouri, Mỹ vào tháng 8/2014. Một số cuộc biểu tình trong thành phố đã biến thành đụng độ giữa những người dân giận dữ và cảnh sát, sau vụ việc Michael Brown, một thiếu niên da màu không trang bị vũ khí, bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết. (Ảnh: AP)
Các nhân viên y tế ở Monrovia, Liberia đưa cậu bé James Dorbor, 8 tuổi bị nghi nhiễm dịch bệnh Ebola, tới một cơ sở điều trị vào tháng 9/2014. Khu vực Tây Phi đã vật lộn với Ebola - đại dịch bùng phát nguy hiểm nhất trong lịch sử. Đại dịch kết thúc vào năm 2016 sau khi có tới hơn 11.000 người thiệt mạng. (Ảnh: New York Times)
Các tay súng IS đứng gần khu vực không kích ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2014. Mỹ và một số quốc gia Ả Rập đã ném bom vào các mục tiêu của IS để tiêu diệt năng lực của IS trong việc chỉ huy, huấn luyện và tiếp tế. (Ảnh: Getty)
Thủ tướng Đức Angela Merkel trò chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama gần dãy núi Alps vào tháng 6/2015. Ông Obama và các nhà lãnh đạo thế giới khi đó đang có mặt ở Đức để dự hội nghị thượng đỉnh G7 thường niên. (Ảnh: Getty)
Nhà Trắng được thắp sáng bằng đèn có màu sắc cầu vồng để kỷ niệm phán quyết của Tòa án tối cao nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào tháng 6/2015. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Sepp Blatter bị ném tiền trong một cuộc họp báo ở Zurich, Thụy Sĩ, vào tháng 7/2015. Những tờ tiền do diễn viên hài người Anh Simon Brodkin ném, trước khi người này được đưa ra khỏi sân khấu. Ông Blatter đã lãnh đạo FIFA từ năm 1998 nhưng đã quyết định từ chức khi FIFA đối mặt với các vụ bê bối tham nhũng. (Ảnh: Reuters)
Các sĩ quan ở Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, đứng trước thi thể của Alan Kurdi, một bé trai tị nạn Syria trôi dạt vào bờ biển hồi tháng 9/2015. Cậu bé 2 tuổi là một trong 12 người tị nạn bị chết đuối ngày hôm đó trong một nỗ lực thất bại để chèo thuyền đến đảo Kos của Hy Lạp. Bức ảnh này đã gây chấn động toàn thế giới. (Ảnh: AFP)
Theo Thành Đạt/Dân trí (Tổng hợp)
https://dantri.com.vn/the-gioi/anh-noi-bat-trong-mot-thap-nien-bien-dong-cua-the-gioi-1-20191226124107886.htm