Các nhà quan sát cho rằng, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại Thượng đỉnh Đông Á ở Thái Lan vào cuối tuần này nhưng không vì thế mà cuộc đối đầu chiến lược Mỹ - Trung giảm sức nóng.
Biển Đông trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Các Hội nghị cấp cao ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á và các Hội nghị liên quan liên tục diễn ra vào cuối tuần này tại Thái Lan. Trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều dự kiến tham dự thì phái đoàn Mỹ sẽ do cố vấn an ninh quốc gia mới được bổ nhiệm là Robert O’Brien và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu.
Sự hiện diện của đoàn quan chức Mỹ trên được xem là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump có thể đang giảm sự quan tâm đối với khu vực.
Nhưng báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng nhận định, điều đó không có nghĩa là một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc đang giảm đi. Thay vào đó, sự đối đầu giữa hai nước nhiều khả năng còn lớn hơn tại Thượng đỉnh Đông Á lần này.
“Mặc dù Nhà Trắng giảm sự chú ý tới Đông Nam Á nhưng điều đó không đúng với các quan chức Mỹ khác, trong đó có những người từ Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc”, Xu Liping, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định.
Thượng đỉnh Đông Á là cuộc họp thường niên của lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN và đại diện của Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Năm nay là lần đầu tiên Mỹ không có tổng thống hoặc một bộ trưởng cấp cao tham dự kể từ khi Washington tham gia diễn đàn vào năm 2011, dù các căng thẳng chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt ở Biển Đông, vẫn tiếp tục leo thang.
Trước hội nghị, vài quan chức cấp cao của Mỹ đã gia tăng chỉ trích Trung Quốc. Hôm 31/10, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell cho rằng các thành viên ASEAN nên đoàn kết để ngăn chặn các ý đồ của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông.
Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong một tiệc tối của Viện Hudson, một viện nghiên cứu chính sách tại New York, rằng Mỹ nên hành động mạnh mẽ hơn nữa “khi Trung Quốc đe dọa các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, và khi Bắc Kinh đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông”.
Ngày 1/11, hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn lời các nguồn tin ngoại giao ASEAN cho hay Mỹ thậm chí đã đưa ra một báo cáo thảo luận hối thúc các quốc gia thành viên ASEAN “phản đối các yêu sách biển bất hợp pháp và quá đáng của Trung Quốc” trước các đại diện của Trung Quốc tại thượng đỉnh ở Bangkok, Thái Lan.
Các nguồn tin trên cũng nói, Mỹ cũng muốn các quốc gia thành viên ASEAN đảm bảo rằng sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông không tác động tới nội dung một bộ quy tắc ứng cử trong vùng biển tranh chấp, mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán.
Tuy nhiên, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách và quốc phòng của Singapore, nhận định rằng mặc dù vấn đề Biển Đông có thể sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh nhưng nhiều khả năng sẽ không có các va chạm nghiêm trọng.
“Khả năng sự trao đổi chính thống về vấn đề này là không cao”, ông nói.
Theo An Bình/Dân trí (nguồn SCMP)