Siêu bão Hagibis đã đổ bộ vào miền bắc Nhật Bản vào sáng ngày 13.10 sau khi làm tê liệt thủ đô Tokyo với mưa to gió giật, khiến ít nhất 4 người chết và hàng triệu người bị ảnh hưởng.
Thiệt hại do bão Hagibis ở tỉnh Chiba, Nhật Bản ngày 12.10.2019. Ảnh: Getty Images
Các nhà chức trách đã dỡ bỏ cảnh báo mưa và lũ lụt cho vùng Kanto và xung quanh một Tokyo bị tàn phá trước bình minh ngày 13.10, nhưng vẫn duy trì cảnh báo với các khu vực xa hơn về phía bắc sau khi cơn bão Hagibis quét qua thủ đô.
Sự chú ý tập trung vào Fukushima, nơi công ty điện lực Tokyo đêm qua báo cáo tín hiệu bất thường từ các cảm biến theo dõi nước trong nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, vốn đã bị tê liệt bởi trận động đất và sóng thần năm 2011.
Ba người chết ở tỉnh Chiba, Gunma và Kanagawa xung quanh Tokyo, người còn lại được tìm thấy đã chết trong một căn hộ bị ngập lụt ở Kawasaki, đài truyền hình NHK cho biết. 17 người mất tích vào sớm Chủ nhật.
Trong số những người thiệt mạng, 1 người đàn ông 50 tuổi chết ở Tokyo vào sáng ngày 12.10 trong chiếc ôtô bị lật do gió lớn, trong khi 1 người khác chết vì bị cuốn trôi trong ôtô. 9 người vẫn mất tích trong trận lở đất và lũ lụt.
Các nhà chức trách ban hành khuyến cáo và ra lệnh sơ tán cho hơn 6 triệu người trên khắp Nhật Bản khi siêu bão Hagibis đem đến mưa to và gió giật khủng khiếp nhất trong nhiều năm. Ít nhất hơn 80 người bị thương đã được báo cáo cho đến nay, trong khi hơn 270.000 hộ gia đình bị mất điện, đài NHK cho biết.
Cơn bão mà chính phủ cho rằng có thể mạnh nhất tấn công Tokyo kể từ năm 1958, đã mang lại lượng mưa kỷ lục ở nhiều khu vực, bao gồm cả thị trấn nghỉ mát nổi tiếng của Nhật Bản, nơi đã hứng chịu lượng mưa 939,5mm trong 24 giờ.
Hagibis, có nghĩa là "tốc độ" trong tiếng của Philippines, đổ bộ lên đảo Honshu chính Nhật Bản vào tối ngày 12.10. Một trận động đất mạnh 5,7 độ richter đã làm rung chuyển Tokyo ngay sau đó.
Ngay cả khi cơn bão di chuyển khỏi thủ đô vào cuối ngày 12.10, một chuyên gia đã cảnh báo về lũ lụt khi một số quận xung quanh bắt đầu xả nước từ các con đập.
"Tình hình bây giờ sẽ tồi tệ", Nobuyuki Tsuchiya, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bờ sông Nhật Bản, nói với Reuters. Khoảng 1,5 triệu người ở Tokyo sống dưới mực nước biển.
"Thiệt hại do lũ lụt và lở đất có thể đã xảy ra", một quan chức Trung tâm này nói trong một cuộc họp báo do NHK thực hiện. "Điều quan trọng là mọi người phải hành động khẩn cấp để bảo vệ cuộc sống của họ và của những người thân yêu."
Mới tháng trước, một cơn bão mạnh khác là Faxai đã phá hủy 30.000 ngôi nhà ở Chiba, phía đông Tokyo và gây ra sự cố mất điện trên diện rộng.
Theo Ngọc Vân/Lao động