Đầu mùa hè này, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trình một baó cáo lên Bắc Kinh, trong đó đánh giá 5 đòi hỏi chủ chốt của người biểu tình và nói rằng rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi có thể giúp tháo ngòi cuộc khủng hoảng chính trị lần này.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. (Ảnh: Reuters)
Nhưng chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất của bà Lam về việc rút dự luật dẫn độ và yêu cầu bà không nhượng bộ bộ kỳ đòi hỏi nào khác của người biểu tình vào thời điểm đó, Reuters dẫn lời 3 nguồn tin nắm được vấn đề cho biết.
Chính quyền trung ương lên án người biểu tình Hong Kong và cáo buộc các thế lực nước ngoài tiếp sức cho bất ổn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần cảnh báo các nước khác chớ can dự vào Hong Kong, khẳng định đó là “chuyện nội bộ”.
Báo cáo của bà Lam được gửi đi trước cuộc gặp ngày 7/8 tại Thâm Quyến do các quan chức cấp cao Trung Quốc chủ trì để đánh giá tính khả thi của 5 đòi hỏi của người biểu tình, phân tích cách nhượng bộ một số đòi hỏi để hạ nhiệt tình hình, các nguồn tin cho biết.
Ngoài chuyện rút dự luật dẫn độ, các yêu cầu khác được nêu trong báo cáo gồm: điều tra độc lập các cuộc biểu tình; bầu cử hoàn toàn dân chủ; bỏ sử dụng khái niệm “nổi loạn” đối với người biểu tình; và chấm dứt buộc tội những người đã bị bắt.
Rút dự luật dẫn độ và điều tra độc lập được coi là những đòi hỏi khả thi nhất về chính trị, một quan chức cấp cao trong chính quyền Hong Kong nói với Reuters. Quan chức giấu tên này nói việc thực hiện hai yêu cầu đó có thể trấn an những người biểu tình ôn hoà đang tức giận trước sự im lặng của bà Lam.
Dự luật dẫn độ là một trong những vấn đề chìa khoá gây ra đợt biểu tình thu hút hàng triệu người lần này. Bà Lam nói dự luật “đã chết”, nhưng không khẳng định rõ ràng nó có bị rút lại hay không.
Bắc Kinh yêu cầu bà Lam không rút dự luật, cũng như không cho điều tra độc lập đối với cuộc biểu tình, bao gồm cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, một quan chức cấp cao cho biết.
“Họ nói không” với 5 yêu cầu. Tình hình bây giờ phức tạp hơn nhiều dự tính trước đây”, nguồn tin nói.
Phản hồi câu hỏi của Reuters, văn phòng của bà Lam nói rằng chính quyền của bà đã nỗ lực giải quyết các mối bận tâm của người biểu tình, nhưng không nói trực tiếp liệu có trình đề xuất như trên tới Bắc Kinh hay nhận được hướng dẫn nào hay không.
Ip Kwok-him, một chính trị gia thân Bắc Kinh trong Hội đồng hành pháp Hong Kong, nói với Reuters: “Nếu chính quyền trung ương không cho phép điều gì thì bạn không thể làm”.
Một doanh nhân cấp cao đã dự cuộc họp ở Thâm Quyến và gặp bà Lam gần đây đã nói rằng “tay bà ấy đã bị trói”, và Bắc Kinh sẽ không để bà ấy rút dự luật.
Tại cuộc họp ở Thâm Quyến, ông Zhang Xiaoming, Trưởng văn phòng Hong Kong và Macao, nói trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng nếu biểu tình tiếp tục, “chính phủ trung ương phải can thiệp”.
Kể từ đó, có nhiều dấu hiệu Bắc Kinh đang có biện pháp cứng rắn hơn.
Một ví dụ là quan chức Trung Quốc ví người biểu tình như “khủng bố”, lực lượng cảnh sát vũ trang bán quân sự Trung Quốc tập dượt ngay gần Hong Kong, nhiều công ty Hong Kong bị ép phải sa thải những nhân viên ủng hộ biểu tình…
Hôm nay, Joshua Wong, một thủ lĩnh của phong trào biểu tình ở Hong Kong, bị bắt, đảng Demosisto mà Wong là một trong những người sáng lập cho biết.
Theo Bình Giang/Tiền phong (nguồn Reuters)