Có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran đang chuẩn bị phóng thêm một vệ tinh nữa lên quỹ đạo sau hai nỗ lực thất bại hồi đầu năm nay.
Theo Sputnik, khi xem xét các bình luận của giới chức Iran và các hoạt động quan sát được ở khu tổ hợp phóng vệ tinh “thường khá vắng lặng”, thì có vẻ như Iran đang chuẩn bị phóng thêm một vệ tinh nữa lên quỹ đạo sau khi thất bại trong các vụ phóng hồi đầu năm nay.
Tên lửa Safir Omid, có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo, ở trên bệ phóng tại một địa điểm không xác định ở Iran. Ảnh: AFP
Tháng 1/2019, Iran phóng vệ tinh giám sát môi trường Payam lên quỹ đạo nhưng đã thất bại khi tên lửa đẩy bị vỡ và rơi xuống Ấn Độ Dương. Vụ phóng thứ 2 diễn ra vào tháng 2/2019 cũng thất bại sau khi tên lửa rời bệ phóng.
Tuy nhiên, các hình ảnh từ vệ tinh do thám của Mỹ về khu Sân bay vũ trụ Imam Khomeini thuộc Trung tâm Không gian Semnan ở miền Bắc Iran cho thấy có các hoạt động gia tăng trong khu vực từ đầu tháng này.
“Sân bay vũ trụ Imam Khomeini thường khá vắng lặng”, Fabian Hinz, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Middlebury về Nghiên cứu quốc tế ở Monterey, California nói với AP.
“Hiện tại chúng tôi đã xem các hình ảnh về hoạt động ở trung tâm không gian và có điều gì đó đang xảy ra ở trên bệ [ phóng]. Nếu bạn đặt chúng với nhau, có vẻ như rất có khả năng là điều gì đó chuẩn bị diễn ra”, ông Hinz nói.
Trong khi đó, cuối tháng trước, ông Hadi Rezaei, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu và công nghệ tại Trung tâm nghiên cứu không gian của Iran tuyên bố, một vệ tinh mới do Iran tự sản xuất đã sẵn sàng lên bệ phóng và thêm 2 vệ tinh khác đang ở trong “giai đoạn chuẩn bị cuối cùng”.
Trước đó, tháng 4/2019 của Bộ trưởng Viễn thông Iran Mohammad-Javad Azari Jahromi cũng tuyên bố các kế hoạch phóng thêm 3 vệ tinh nữa.
“Nếu Iran muốn có các hoạt động tên lửa, thì đó là điều sẽ được làm một cách công khai. Chẳng có gì phải giấu giếm. đó là một phần trong quyền phòng vệ của chúng tôi”, ông Jahromi nói khi đó.
Chương trình thử tên lửa của Iran lâu nay thường bị phương Tây chỉ trích, nhưng các chương trình này lại hợp pháp về mặt kỹ thuật. Khi ký Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân nhưng không đồng ý hạn chế tương tự đối với tên lửa đạn đạo, trừ khi các tên lửa này được gắn đầu đạn hạt nhân lên đó.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở thời điểm đó đã thông qua nghị quyết 2231, kêu gọi Iran không tiến hành bất cứ hoạt động nào liên quan tới các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong đó có cả các vụ phóng có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo như vậy. Tuy nhiên nghị quyết không mang tính ràng buộc.
Mỹ và Israel lo ngại rằng công nghệ mà Iran sử dụng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo có thể được sử dụng để gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Nga và Mỹ cũng đã từng chuyển đổi công nghệ tương tự như tên lửa đạn đạo Titan II của Mỹ và tên lửa đạn đạo liên lục địa R-7 của Nga./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN