Giới chức vùng Gibraltar, thuộc Anh có thể sẽ thả tàu chở dầu Iran Grace 1 trong ngày hôm nay (15/8).
Truyền thông Anh vừa đưa tin, giới chức vùng Gibraltar, thuộc Anh có thể sẽ thả tàu chở dầu Iran Grace 1 trong ngày hôm nay (15/8), khi cho rằng đích đến của con tàu không phải là Syria nữa. Đây có thể sẽ là bước đi hạ nhiệt cần thiết đối với căng thẳng vùng Vịnh hiện nay; đặc biệt nó diễn ra trong bối cảnh Iran đang bày tỏ ý muốn đối thoại với các nước phương Tây về thỏa thuận hạt nhân.
Hình ảnh tàu Grace1 của Iran ở ngoài khơi vùng Gibraltar hôm 6/7. Ảnh: AFP.
Tờ The Sun của Anh sáng 15/8 dẫn nguồn thân cận với Thủ hiến Fabian Picardo cho biết, chính quyền Gibraltar sẽ thả siêu tàu chở dầu Iran Grace 1, có trọng tải 300.000 tấn mà lực lượng thủy quân lục chiến Anh bắt giữ ngày 4/7 vừa qua.
Nguồn tin cho biết, ông Picardo sẽ không xem xét gia hạn việc bắt giữ tàu Grace 1 và ông hiện nay hài lòng vì chiếc tàu này không còn chạy về hướng Syria nữa.
Thông tin về việc Anh thả tàu cũng từng được truyền thông nhà nước Iran đưa tin từ nhiều ngày nay. Bình luận về khả năng này, hôm qua (14/8), người phát ngôn của Tổng thống Iran Ali Rabiei khẳng định: “Việc bắt giữ tàu chở dầu Iran là một hành động không đúng ngay từ đầu. Chúng tôi luôn muốn nó được thả ra. Iran sẽ rất hoan nghênh hành động này".
Nếu thông tin Anh thả tàu Iran là chính xác, thì đây sẽ là bước đi hạ nhiệt căng thẳng đáng kể, không chỉ riêng giữa Iran và Anh, mà còn là toàn vùng Vịnh.
Bởi thứ nhất, hiện nay, các nước phương Tây đang cho rằng Iran có thể sử dụng vụ việc để tăng cường các hoạt động quân sự tại vịnh Ba Tư; trong khi Iran cũng có cáo buộc tương tự ngược lại đối với Mỹ và các nước phương Tây. Tổng thống Iran Rouhani hôm qua (14/8) đã hối thúc sự hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm tự bảo vệ an ninh vận tải hàng hải, mà không cần tới các lực lượng nước ngoài.
Theo ông, việc Mỹ định thành lập một liên minh hàng hải tại khu vực là không khả thi. Và kể cả khi điều này được thực hiện, nó cũng sẽ không góp phần đem lại an ninh tốt hơn khu vực. Trong khi, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng cảnh báo, Tehran sẽ không nhân nhượng trước các hành vi “xâm phạm hàng hải” tại eo biển Hormuz.
Thứ hai, đây cũng là thời điểm khá nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Hôm 14/8, Tổng thống Iran cho biết, nếu Tehran tiến đến giai đoạn 3 của việc giảm cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân thì các nước ký kết thỏa thuận hạt nhân này cũng sẽ có thêm 60 ngày để hoàn tất những yêu cầu của Iran và bảo vệ thỏa thuận. Đây được coi là 1 thiện chí đối thoại của Iran bất chấp các cuộc đàm phán giữa Iran và các nước phương Tây thời gian qua không mang lại kết quả “đáng kể” nào. Ông Rouhani nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán. Một lần nữa, trong giai đoạn thứ ba, chúng tôi sẽ đưa ra thời hạn 60 ngày nữa, để các bên có thời gian cho đối thoại nhằm đạt được một giải pháp phù hợp, đúng đắn và cân bằng".
Cho tới nay, Iran đã từng bước hiện thực hóa lời cảnh báo điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết trong thỏa thuận sau khi các quốc gia còn lại, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, không đưa ra được một con đường khả quan để cứu vãn thỏa thuận, giúp Iran tránh những trừng phạt của Mỹ. Tehran tuyên bố vượt xa hạn mức urani làm giàu cấp thấp được phép dự trữ là 300kg và bắt đầu làm giàu urani vượt giới hạn cho phép 3,67% ./.
Theo Đình Nam/VOV.VN