Chỉ huy Hải quân Iran xác nhận nước này và Nga đã ký văn kiện mở rộng quan hệ và có kế hoạch tập trận chung ở vùng biển căng thẳng mà Mỹ đang huy động quốc tế chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo.
Hãng tin Fars News dẫn lời Tư lệnh hải quân Iran, Chuẩn đô đốc Hossein Khanzadi, cho biết ông đã ký biên bản ghi nhớ với Nga, chủ yếu liên quan các lực lượng hải quân hai nước. Ông Khanzadi khẳng định văn bản này "có thể được coi là bước ngoặt trong quan hệ của Tehran với Moscow".
Một cuộc tập trận như vậy sẽ diễn ra ở vùng biển mà tại đó Mỹ cáo buộc Iran tấn công và bắt giữ các tàu quốc tế trong thời gian qua.
Washington và Tehran đã rơi vào căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và áp cấm vận lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
Thỏa thuận này có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), được Iran ký với nhóm P5+1 gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ và và Đức năm 2015. Đến nay các nước còn lại vẫn duy trì thỏa thuận bất kể quyết định của ông Trump.
Washington dọa sẽ trừng phạt các nước nếu họ dính dáng đến trao đổi thương mại với những ngành của Iran bị Mỹ liệt vào danh sách đen, chẳng hạn dầu lửa.
Lầu Năm Góc cũng triển khai thêm 2.500 binh sĩ, một nhóm tác chiến tàu sân bay và một phi đội ném bom tới Trung Đông để đáp trả những gì mà Nhà Trắng mô tả là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ Iran. Chính quyền Trump quy trách nhiệm cho Iran về hai loạt vụ nổ nhằm vào hai tàu dầu nước ngoài ở Vịnh Oman kể từ giữa tháng 5. Iran bác bỏ mọi cáo buộc.
Các thiết bị bay không người lái cũng là tâm điểm đối đầu giữa Mỹ và Iran. Tuần trước, chính quyền Trump tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran, khoảng 1 tháng sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bắn một máy bay do thám của Hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Tehran khẳng định họ không mất máy bay nào.
Sau đó, IRGC bắt giữ một tàu dầu mang cờ Anh, cáo buộc nó gây nguy hiểm ở Eo Hormuz. Hành động này được đánh giá là để trả đũa London bắt tàu dầu Iran ngoài khơi Gilbraltar với lý do tàu chở dầu đến Syria vi phạm lệnh cấm của EU.
Trong bối cảnh đó, Mỹ và Anh đã lên tiếng kêu gọi quốc tế lập ra một liên minh hàng hải tuần tra Vịnh Ba Tư. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Câu lạc bộ Kinh tế Washington rằng, Mỹ sẽ thành công trong xây dựng "một kế hoạch an ninh hàng hải" và "chúng tôi cần các nước trên toàn thế giới hỗ trợ bảo vệ vận tải thương mại".
Theo Thanh Hảo/VietNamNet