Trang mạng Uriminzokkiri đã đổ lỗi cho Mỹ trong việc khiến hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ hồi tháng Hai vừa qua không đạt được kết quả, đồng thời yêu cầu Washington có những nỗ lực "thiết thực."
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 11/6, truyền thông Triều Tiên đã đổ lỗi cho Mỹ trong việc khiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng Hai vừa qua không đạt được kết quả, đồng thời yêu cầu Washington có những nỗ lực "thiết thực" nhằm nối lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa vốn đang bị đình trệ.
Trên trang web của mình, trang mạng tuyên truyền Uriminzokkiri cho rằng điều mà thế giới mong muốn đối với các cuộc đàm phán Triều-Mỹ là "thiện chí của Mỹ cùng những biện pháp tương ứng đáp lại thiện chí và các bước đi tích cực của chúng tôi, cũng như những nỗ lực thiết thực nhằm mở đường cho việc nối lại các cuộc thảo luận với cách tiếp cận mới."
Lời kêu gọi trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã nhận được một bức thư mà ông gọi là "rất nồng ấm" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đúng vào dịp kỷ niệm một năm diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này tại Singapore hồi tháng 6/2018.
Mặc dù không tiết lộ nội dung bức thư, song Tổng thống Trump nói rằng ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có một "mối quan hệ rất tốt," đồng thời bày tỏ lạc quan về những điều tích cực sắp tới.
Giới chức Hàn Quốc nhận định việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi một bức thư tới Tổng thống Trump có thể mở ra "những triển vọng mới" trong quan hệ giữa hai nước.
Phát biểu tại một diễn đàn về liên minh Hàn-Mỹ, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Moon Chung-in nói rằng dù có rất nhiều khó khăn sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc hồi tháng Hai vừa qua mà không có thỏa thuận nào đạt được, song ông dự đoán sẽ có các cuộc thảo luận "giữa Hàn Quốc và Mỹ, giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, và giữa Triều Tiên và Mỹ."
Cũng tại diễn đàn trên, Cố vấn Tổng thống Hàn Quốc cũng kêu gọi việc áp đặt trừng phạt phải có "chiến lược và linh hoạt," cho rằng việc Mỹ vẫn giữ vững lập trường không nới lỏng trừng phạt cho tới khi Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn là "phi thực tế."
Liên quan tới vấn đề trên, cùng ngày, cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert nhấn mạnh việc duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên là điều cần thiết để buộc Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán.
Ông cho rằng mặc dù hai hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un rõ ràng cho thấy Bình Nhưỡng thực sự muốn các biện pháp trừng phạt được nới lỏng, song "chúng tôi không biết điều mà Triều Tiên thực sự sẵn sàng trao đổi" để đạt được mục đích đó. Do đó, ông cho rằng điều này cần phải được làm rõ thông qua các cuộc đàm phán cấp làm việc, từ đó có thể triển khai những bước đi tiếp theo hướng đến thành công.
Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai hồi tháng Hai vừa qua tại Hà Nội. Sau khi hội nghị kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào, Bình Nhưỡng được cho là đã có những động thái cứng rắn như phóng các vật thể tầm ngắn vào vùng biển phía Đông.
Giới phân tích nhận định đây là chiến thuật nhằm gây sức ép buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay./.
Theo Phương Oanh/TTXVN