Các mạng xã hội Sri Lanka đã chứng kiến lượng tin giả tăng vọt sau loạt vụ đánh bom liều chết trong dịp lễ Phục sinh cách đây một tháng.
Hiện trường vụ tấn công tại nhà thờ St. Anthony ở Kochchikade, Colombo, Sri Lanka, ngày 21/4/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Các mạng xã hội Sri Lanka đã chứng kiến lượng tin giả tăng vọt sau loạt vụ đánh bom liều chết trong dịp lễ Phục sinh cách đây một tháng.
Trước đó, Chính phủ Sri Lanka đã ban lệnh cấm trong 9 ngày đối với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Instagram và WhatsApp sau các vụ tấn công nhằm vào chuỗi nhà thờ và khách sạn khiến 258 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Nhiều người dùng truyền thông xã hội đã chuyển sang mạng riêng ảo (VPN) hoặc mạng ẩn danh TOR để lách luật, duy trì liên lạc được với bạn bè, người thân sau vụ tấn công.
Tuy nhiên, công cụ này cũng bị lợi dụng để lan truyền hỗn loạn và những lời lẽ kích độngtrong bối cảnh Sri Lanka đang nỗ lực phục hồi sau vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Sanjana Hattotuwa, người giám sát tin tức giả trên truyền thông xã hội tại Trung tâm Chính sách ở thủ đô Colombo, cho biết với lượng tin giả ngày càng tăng, Chính phủ Sri Lanka đã thất bại trong việc ngăn ngừa tham gia, sản xuất, chia sẻ và thảo luận nội dung trên Facebook.
Việc tin tức giả lan tràn đã làm suy yếu danh tiếng của các mạng truyền thông xã hội. Kể từ sau loạt vụ đánh bom liều chết trong ngày lễ Phục sinh vừa qua, nhà chức trách Sri Lanka đã ban bố các lệnh cấm đối với truyền thông xã hội trong thời gian ngắn. Mới đây nhất, Chính phủ Sri Lanka ngày 13/5 thông báo tạm thời áp đặt lệnh cấm một số mạng truyền thông xã hội và ứng dụng tin nhắn, trong đó có Facebook và WhatsApp, sau vụ đám đông quá khích tấn công người Hồi giáo hôm 12/5 tại thị trấn Chilaw, cách thủ đô Colombo 80 km về phía Bắc./.
Theo TTXVN/Vietnam+