Chính phủ Mỹ vừa tạm thời nới lỏng một số hạn chế thương mại áp đặt lên Tập đoàn Huawei Technologies Co. Ltd của Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh cảnh báo có thể trả đũa Washington vì hành động nhằm vào công ty này.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ cho phép Huawei mua sản phẩm sản xuất tại Mỹ để duy trì các mạng hiện có và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho điện thoại đã bán.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết bước đi trên nhằm tạo điều kiện để các nhà mạng đang phụ thuộc vào thiết bị của Huawei có thời gian sắp xếp. "Mục đích dường như là ngăn các hệ thống điện thoại, máy tính và internet bị sập" - ông Kevin Wolf, một luật sư tại Washington, nhận định với Reuters về quyết định nới lỏng có hiệu lực đến ngày 19-8 nói trên.
Dù vậy, Huawei vẫn bị cấm mua linh kiện, phụ tùng của Mỹ để sản xuất sản phẩm mới nếu không có được Washington cho phép. Mỹ cáo buộc nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới này dính líu đến các hoạt động có hại cho an ninh quốc gia hoặc lợi ích về chính sách đối ngoại của mình.
Ông Ren Zhengfei, nhà sáng lập Huawei, hôm 21-5 cho rằng bước đi trên không có nhiều ý nghĩa đối với công ty vì họ đã chuẩn bị cho một kịch bản như thế. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Ren khẳng định Huawei có khả năng chế tạo các loại chip đang mua từ Mỹ dù điều này không có nghĩa công ty này sẽ ngừng mua chip Mỹ.
Một cửa hàng của Huawei tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Theo thống kê, Huawei đã chi 70 tỉ USD để mua linh kiện trong năm 2018, trong đó 11 tỉ USD rơi vào túi các công ty Mỹ, như Qualcomm Inc, Intel Corp, Micron Technology Inc… "Qua đây cho thấy các sản phẩm và công nghệ của Huawei đang hiện diện khắp thế giới và nếu Mỹ áp đặt các hạn chế, điều này sẽ có tác động" - ông Douglas Jacobson, luật sư thương mại tại Washington, đánh giá.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ nới lỏng trừng phạt Huawei tương tự như động thái đối với ZTE Corp, một công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc khác. Hồi tháng 4-2018, Mỹ đã cấm ZTE mua linh kiện sản xuất tại nước này trong động thái khiến các nhà mạng không dây ở châu Âu và Nam Á gặp khó. Ba tháng sau đó, Washington đã dỡ trừng phạt ZTE sau khi công ty này đạt thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ về việc nộp phạt 1,4 tỉ USD và thay đổi ban lãnh đạo.
Tuy nhiên, một kết quả êm thấm như vậy giữa Mỹ và Huawei không dễ đạt được lúc này, nhất là khi lãnh đạo công ty và Bắc Kinh không cho thấy dấu hiệu nhân nhượng. "Các hành động của chính phủ Mỹ lúc này đánh giá thấp năng lực của chúng tôi" - ông Ren tự tin cho biết trong cuộc phỏng vấn nói trên.
Cứng rắn hơn, ông Zhang Ming, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU), hôm 20-5 tuyên bố Bắc Kinh có thể trả đũa Washington vì hành động đưa Huawei vào danh sách đen. "Quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc đang bị tổn hại. Vì thế, chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên" - ông Zhang nói với giới truyền thông. Cùng ngày, theo báo South China Morning Post, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cũng cho biết thế giới hãy "chờ xem" chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc hành động đáp trả Mỹ vụ Huawei.
Theo Hoàng Phương/Người Lao động