Mỹ có thể phải tốn tới hơn 2 triệu USD để sửa chữa một máy bay F-35B bị chim lao vào. Trong vài năm qua, Washington mất hàng trăm triệu USD trong hàng loạt vụ va chạm liên quan tới loại động vật này.
Máy bay chiến đấu F-35B (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Theo Sputnik, máy bay F-35B của Mỹ đã buộc phải hủy cất cánh từ căn cứ hàng không thủy quân lục chiến ở Iwakuni, Nhật Bản hôm 7/5 sau khi bị chim lao vào trên đường băng. Chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 buộc phải ngừng di chuyển vì lý do an toàn.
Phát ngôn viên của phi đội máy bay số 1 thuộc thủy quân lục chiến Eric Flanagan nói với trang Military rằng điều tra ban đầu cho thấy vụ tai nạn trên đã khiến khiến máy bay F-35B bị xếp vào nhóm hư hỏng loại A, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tốn hơn 2 triệu USD để sửa chữa chiếc máy bay trị giá 115 triệu USD này.
Chim lao vào động cơ có thể phá hủy và gây trục trặc kỹ thuật nguy hiểm tới máy bay. Thông thường, khi gặp phải tình huống này, các phi công thường chọn cách hạ cánh khẩn cấp phòng trừ rủi ro.
Một thống kê cho thấy trong nhiều năm qua, Mỹ đã tốn hàng trăm triệu USD chỉ vì những tai nạn liên quan tới chim.
Hồi tháng 4/2019, một chiếc máy bay chiến đấu F-16 bị chim lao vào khi hạ cánh tại căn cứ không quân Holloman ở New Mexico. Các bức ảnh sau đó chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một con chim mắc kẹt bên trong bộ phận hạ cánh của máy bay.
Chim mắc kẹt vào bộ phận hạ cánh của máy bay F-16 (Ảnh: Facebook)
Hồi tháng 3 năm ngoái, một đoạn video đăng tải trên mạng internet cho thấy máy bay vận tải của Boeing C-17 Globemaster III bị chim lao vào động cơ trong một triển lãm hàng không ở Australia khiến nó tóe lửa và buộc phải nằm “đắp chiếu” chờ sửa chữa.
Military Times dẫn một số liệu thống kê cho thấy: “Từ năm tài khóa 2011 tới 2017, đã có 418 vụ việc máy bay của không quân bị hỏng do đâm phải chim. Một số vụ việc đã khiến lực lượng này thiệt hại tới 182 triệu USD chi phí sửa chữa”.
Quân đội Mỹ đã có một số biện pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng này bằng cách sử dụng 2 hệ thống radar nhằm cảnh báo sớm nguy cơ máy bay bị đâm phải chim. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa thực sự được giải quyết triệt để.
Theo Đức Hoàng/Dân Trí