Xung đột tại Libya đang có chiều hướng gia tăng, các tổ chức cứu trợ cảnh báo, các thảm kịch người di cư sẽ tiếp tục tái diễn trên biển Địa Trung Hải.
Khoảng 70 người di cư từ Libya ngày 10/5 đã thiệt mạng, sau khi con tàu của họ chìm ở hải phận Tunisia trong cuộc hành trình tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn tại châu Âu. Đây là vụ chìm tàu nhiều thương vong nhất ở Địa Trung Hải kể từ tháng 1 năm nay. Với xung đột tại Libya đang có chiều hướng gia tăng, các tổ chức cứu trợ cảnh báo, các thảm kịch người di cư sẽ tiếp tục tái diễn trên biển Địa Trung Hải, sau một thời gian làn sóng người di cư đổ sang châu Âu giảm mạnh.
Một con tàu tị nạn của Libya bị lật nghiêng trong vụ chìm tàu năm 2016 (Ảnh minh họa).
Con tàu chở người di cư đã chìm ở khu vực ngoài khơi bờ biển miền Nam Tunisia khi đang trên đường tiến đến Italy. Ít nhất 16 người trên tàu được cứu.Vụ việc xảy ra khi làn sóng người di cư đến châu Âu giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng cuộc hành trình trên biển cũng trở nên nguy hiểm hơn. Trong 4 tháng đầu năm nay có 164 người di cư thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải. Đây là một con số không lớn do lượng người di cư đổ về châu Âu giảm, nhưng cho thấy mức độ nguy hiểm của tuyến đường biển này khi cứ 3 người đến được châu Âu thì có 1 người phải bỏ mạng trên biển.
Các tổ chức cứu trợ cảnh báo, với xung đột đang bùng phát tại Libya thì nguy cơ làn sóng người dân quốc gia này tìm cách sang châu Âu sẽ gia tăng. Đây cũng là vấn đề đau đầu đối với nhiều quốc gia châu Âu, vốn đang chịu sức ép quá tải do cuộc khủng hoảng di cư gây ra. Italia gần đây tuyên bố đóng cửa hải phận nước này đối với các tàu cứu hộ người di cư, với mong muốn các quốc gia châu Âu khác phải chia sẻ chung gánh nặng. Trước các thảm kịch trên biển tái diễn, nhiều nhóm cứu trợ quốc tế đang kêu gọi châu Âu cần phải làm nhiều hơn để cứu sống những người di cư trên biển.
Người phát ngôn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Babar Baloch khẳng định: “Tình hình thật đáng lo ngai. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia châu Âu xây dựng lực lượng tìm kiếm và cứu hộ trên biển Địa Trung Hải. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, Libi không phải là một nơi an toàn để trả lại người di cư và tị nạn. Chúng tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều người được cứu sống”.
Việc các nước châu Âu giang tay đón lấy những người di cư và tị nạn không chỉ tại Libi mà còn nhiều quốc gia châu Phi khác, hay triển khai lực lượng và tàu cứu hộ trên biển cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Để giảm được làn sóng người di cư đến châu Âu cần phải giải quyết những nguyên nhân cơ bản khiến người dân các quốc gia này phải đi sơ tán. Do đó, một Libya hòa bình và ổn định sẽ là nền tảng chắc chắn hơn trong việc giảm số lượng người di cư vượt biển.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/5 kêu gọi các bên xung đột tại Libya cam kết với một lệnh ngừng bắn và quay trở lại các cuộc đối thoại do Liên Hợp Quốc làm hòa giải.
Đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc Dian Triansyah Djani - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 5 nhấn mạnh: “Hội đồng Bảo an bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự bất ổn tại thủ đô Tripoli của Libya và tình hình nhân đạo tồi tệ hơn đang gây nguy hiểm cho những dân thường vô tội và đe dọa một giải pháp chính trị. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên nhanh chóng trở lại các cuộc đối thoại do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và cam kết với một lệnh ngừng bắn, tránh leo thang quân sự”.
Xung đột leo thang tại Libya gần đây khi Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Các cuộc giao tranh ác liệt đã xảy ra với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô. Chiến dịch này đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến mới tại quốc gia Bắc Phi này.
Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện vẫn chia rẽ về việc làm thế nào để phản ứng với cuộc khủng hoảng tại Libya, buộc Anh gần đây phải dừng bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết,yêu cầu ngừng bắn tại Libya./.
Theo Phạm Hà/VOV1 (tổng hợp)