Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được một thỏa thuận cuối cùng sau vòng đàm phán thương mại thứ 11 trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc áp mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 10/5, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được một thỏa thuận cuối cùng sau vòng đàm phán thương mại thứ 11 diễn ra trong hai ngày tại Washington (Mỹ), trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc áp mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Việc hai bên không đạt được thỏa hiệp trong ngày đàm phán đầu tiên đã khiến quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% của Mỹ đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào nửa đêm 9/5, và làm tiêu tan hy vọng về khả năng hai bên sẽ đạt được một bước đột phá, tiến tới một thỏa thuận thương mại cuối cùng trong ngày đàm phán thứ hai.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp Mỹ trở lên vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể đe dọa đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, thứ “vũ khí” quan trọng mà ông Trump sẽ sử dụng nhằm tái vận động tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tổng thống Trump còn cho biết ông sẵn sàng tiến xa hơn, đe dọa việc áp thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
[Tổng thống Mỹ: Không cần đẩy nhanh đàm phán thương mại với Trung Quốc]
Trước đó, tối 9/5, phái đoàn đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài khoảng 90 phút với phái đoàn của Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.
Tuy nhiên, hai bên đã không vượt qua được những khác biệt lớn trong nhiều vấn đề, trong đó phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã “quay lưng” lại với các cam kết trước đó.
Kết quả của vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng thương mại leo thang trở lại giữa hai cường quốc thế giới này khi hai bên lại tiếp tục các màn trả đũa theo kiểu “ăn miếng trả miếng," gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu./.
Theo Đặng Huyền (TTXVN/Vietnam+)