Việc Ngoại trưởng Pompeo hủy chuyến thăm Đức vào phút chót để tới Iraq liệu có phải dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Mỹ và đồng minh đang đi xuống?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ tới gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tại Berlin ngày 7/5.
Tuy nhiên, vào phút chót, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hủy chuyến thăm này, khi tuyên bố Washington đang có "các vấn đề cấp bách" cần giải quyết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi sẽ sắp xếp lại lịch trình cho cuộc gặp quan trọng này, Ngoại trưởng Pompeo sẽ tới Berlin sớm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định.
Mối quan hệ gần đây giữa Mỹ và Iran leo thang căng thẳng sau khi Washington bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa từ Iran với quân đội Mỹ. Trong khi đó, Tehran cũng "đánh tiếng" rằng nước này sẽ không tuân theo mọi điều khoản của Thỏa thuận hạt nhân 2015 nữa. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này hồi năm 2018 nhưng Đức và các đồng minh châu Âu của Washington vẫn tiếp tục ở lại thỏa thuận.
Trước khi quyết định hủy chuyến thăm Đức để tới Iraq của ông Pompeo được công bố, Ngoại trưởng Heiko Maas đã điện đàm với Ngoại trưởng Pompeo và theo AP thì họ đã lên kế hoạch sắp xếp lại cuộc gặp.
Dù vậy, một số nhà quan sát ở Đức cho rằng việc Mỹ hủy chuyến thăm Đức là bằng chứng cho thấy sự "rơi tự do" của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này.
Norbert Röttgen, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Đức gọi sự thay đổi lịch trình này là "vô cùng đáng tiếc", đồng thời cho rằng sự hủy bỏ này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Đức đang xấu đi.
Kể từ khi Tổng thống Trump nhận chức, chính phủ của Thủ tướng Merkel đã xung đột với Washington trong một số vấn đề quan trọng. Ông Trump nhiều lần chỉ trích Berlin về vấn đề chi tiêu quốc phòng khi cho rằng Đức, cũng như nhiều quốc gia thành viên khác không đáp ứng các nghĩa vụ trong NATO.
Thủ tướng Merkel và Tổng thống Trump cũng có nhiều quan điểm khác biệt khi mà nhà lãnh đạo Đức có hướng tiếp cận cởi mở hơn với vấn đề nhập cư, thương mại tự do và các hành động chống lại sự biến đổi khí hậu.
Một số nhà phân tích nhận định mối quan hệ 2 nước dường như đang "đóng băng" dù quan chức hai bên đều phủ nhận điều này./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN