Lệnh trừng phạt của Mỹ với xuất khẩu dầu của Venezuela có hiệu lực hôm nay (28/4) liệu có phải là một cú sốc lớn với chính quyền Tổng thống Maduro?
Kể từ 12h01 trưa nay (giờ Việt Nam), Mỹ sẽ có hành động chống lại bất kì ai giao dịch với Công ty dầu khí quốc gia Venezuela ( PDVSA) hoặc bất kì thực thể nào mà công ty này nắm giữ ít nhất 50% cổ phần. Đây là một trong những bước đi của chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhằm gia tăng sức ép lên Tổng thống Maduro, cũng như thể hiện sự ủng hộ với lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido.
Lệnh trừng phạt của Mỹ với xuất khẩu dầu của Venezuela chính thức có hiệu lực hôm nay (28/4). Ảnh: Reuters
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định: “Chúng tôi đang đi theo định hướng áp đặt trừng phạt. Hiện ngành tài chính và dầu lửa của Venezuela là hai lĩnh vực trừng phạt mà Mỹ hướng tới. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các bước đi tiếp theo. Mục đích là ngăn chính phủ của Tổng thống Maduro có thể nhận được nguồn tài chính từ lĩnh vực này, giúp đỡ người dân Venezuela và thúc đẩy qúa trình chuyển giao quyền lực tại quốc gia này”.
Dầu là mạch máu của nền kinh tế chiếm 96% xuất khẩu của Venezuela. Trước khi khủng hoảng xảy ra, Venezuela xuất khẩu sang Mỹ khoảng 500.000 thùng dầu/ngày. Sau khi Mỹ thông báo lệnh cấm vận dầu vào tháng 1/2019, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela đã giảm khoảng 43%. Giới chức an ninh Mỹ ước tính, Venezuela có thể mất 11 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ trong năm tới do biện pháp cấm vận này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, lệnh trừng phạt có hiệu lực ngày 28/4 cũng không phải là một cú sốc quá lớn đối với Venezuela. Vì thực tế giao dịch thương mại dầu giữa hai bên đã hoàn toàn bị giới hạn và giảm mạnh thời gian qua. Venezuela cũng bắt đầu tìm kiếm các đối tác thay thế, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga.
Phó chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela Diosdado Cabello đánh giá cao sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh nước này đối mặt với nhiều khó khăn: “Mỹ dường như không tính đến các hậu quả về những gì họ tuyên bố. Họ nghĩ rằng các mối đe dọa sẽ làm Trung Quốc hay Nga run sợ. Phản ứng của hai nước này theo đúng khuôn khổ chuẩn mực ngoại giao thông thường. Không ai có thể áp đặt quyết định lên người khác”.
Theo một số nguồn tin, Venezuela bắt đầu tiêu thụ dầu thông qua Tập đoàn dầu lửa Rosneft của Nga, như một cách trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chính phủ Nga cũng nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm vận dầu của Mỹ với Venezuela, đồng thời tuyên bố sẽ hợp tác với Venezuela để chống lại các biện pháp này. Tuy nhiên, lệnh cấm vận dầu có hiệu lực cũng sẽ vẫn có tác động, với việc Mỹ cam kết chống lại bất cứ công ty nước ngoài nào hoạt động tại Mỹ, bao gồm hệ thống tài chính giao dịch với Venezuela.
Việc Mỹ siết chặt gọng kìm trừng phạt kinh tế nhằm vào Venezuela trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, với dự đoán rằng lạm phát có thể tăng vọt trong năm nay. Khoảng 2,7 triệu người Venezuela đã phải sơ tán kể từ năm 2015 do thiếu thực phẩm và thuốc men cơ bản.
Mỹ hiện vẫn đổ lỗi cho Tổng thống Maduro gây ra cuộc khủng hoảng tại Venezuela, đồng thời cam kết đổ hàng tỉ USD vào Venezuela để tái thiết nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, càng gia tăng trừng phạt, cuộc sống của người dân Venezuela lại càng khốn đốn.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu và chính sách kinh tế tại Mỹ cho thấy, Venezuela ghi nhận thêm hơn 40.000 trường hợp tử vong trong năm 2017-2018 do các biện pháp trừng phạt gây thiếu thuốc men và thực phẩm.
Chuyên gia kinh tế Jeffrey Sachs của Trung tâm này nhận định, Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế nhằm thay đổi chế độ tại Venezuela, với tuyên bố mong muốn tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, đây chính là một chính sách thất bại, bất hợp pháp và vô nhân đạo, khiến cuộc sống của những dân thường Venezuela ngày càng khốn khổ hơn./.
Theo Phạm Hà/VOV1 (Tổng hợp)