Nhật Hoàng Akihito thoái vị, sẽ nhường ngôi vào ngày 30.4, chấm dứt triều đại Heisei (Bình Thành) kéo dài 30 năm qua. Ngay hôm sau, Thái tử Naruhito đăng quang, trở thành Nhật Hoàng thứ 126 của Nhật Bản, mở ra thời kỳ mới với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa).
Thái tử Naruhito và Công nương Masako. Ảnh: REUTERS
“Luồng gió mới thổi vào thời đại mới”
Thái tử Naruhito sinh ngày 23.2.1960, con trai đầu lòng của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, sẽ trở thành Nhật Hoàng thứ 126 của Nhật Bản từ 1.5.
Từ khi chào đời đến năm 28 tuổi của Thái tử Naruhito là thời kỳ do ông nội - Thiên hoàng Chiêu Hòa Hirohito trị vì. Thiếu thời của ông có nhiều khác biệt so với Nhật Hoàng Akihito - là Thái tử từ khi sinh ra và chính thức gánh vác các trọng trách hoàng gia từ năm 18 tuổi. Thái tử Naruhito sống với cha mẹ và em trai Fumihito (Hoàng tử Akishino) đến năm 30 tuổi trong khi các Thiên hoàng Akihito, Chiêu Hòa và Đại Chính đều bị tách khỏi cha mẹ để nuôi dạy trở thành quân vương từ sớm.
Tên của Thái tử Naruhito gồm các từ mang ý nghĩa “nhân từ”, “đức độ” trong tiếng Nhật. Ông tốt nghiệp ngành lịch sử Đại học Gakushuin, Tokyo và có bằng tiến sĩ luật dân sự Đại học Oxford, Anh. Vợ Thái tử Naruhito là Công nương Masako, 55 tuổi và cặp đôi có một con gái, Công chúa Aiko, 17 tuổi.
Trong cuộc họp báo tháng 2.2019, Thái tử Naruhito cho biết đã học hỏi cha mẹ về cách thức đảm nhận vai trò Thiên hoàng. “Tôi đã khắc sâu trong tâm trí của mình cách hành xử của bậc quân vương và sự chuẩn bị tinh thần hướng tới những nhiệm vụ chính thức của họ. Tôi sẽ nỗ lực cải thiện bản thân khi đảm nhận vai trò” - ông nói.
Cùng với đó “như những cơn gió mới thổi qua mỗi thời đại, vai trò của hoàng tộc đã thay đổi. Tôi muốn tiếp tục duy trì những truyền thống đã được truyền lại từ thời cổ đại, đồng thời theo đuổi vai trò lý tưởng mà gia đình hoàng gia nên đảm nhận trong tương lai” - ông nói.
Hoàng thất Nhật Bản thay đổi sau kế vị
Kể từ thời kỳ Minh Trị năm 1868, có điều khoản quy định để ngăn chặn quyền lực kép, Thái tử chỉ kế vị khi Thiên hoàng đã qua đời. Việc Nhật Hoàng Akihito thoái vị nhường ngôi ngày 30.4 là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản trong vòng 200 năm.
Tước hiệu của Nhật Hoàng Akihito sau thoái vị là Joko và Hoàng hậu Michiko là Jokogo. Cựu Nhật Hoàng vẫn giữ địa vị hoàng gia và tiếp tục được gọi là Heika hay “Bệ hạ” nhưng sẽ ngừng các nhiệm vụ chính thức.
Sau khi nghỉ hưu, Nhật Hoàng và Hoàng hậu vẫn được giữ mức sinh hoạt phí, an ninh và di chuyển hiện tại nhưng có một số thay đổi đáng kể. Nơi cư trú sau thoái vị của Nhật Hoàng Akihito là Cung điện Togu ở khu Akasaka, Tokyo - vốn là nơi ở hiện tại của Thái tử Naruhito. Cung điện sẽ được đổi tên thành Cung điện Hoàng gia Sento nghĩa là “nơi ở của joko”. Tân Nhật Hoàng và gia đình sẽ chuyển đến Cung điện Hoàng Gia.
Các nguồn tin của Mainichi Shimbun cho hay, động thái này được đề xuất để hạn chế chi phí. Khi Nhật Hoàng Akihito tiếp quản ngai vàng, Cung điện Fukiage Omiya - nơi ở của Thiên hoàng Chiêu Hòa tiếp tục là nơi ở của Hoàng hậu Kojun vào tháng 1.1989. Do đó, Nhật Hoàng Akihito cùng gia đình tiếp tục ở khu Akasaka đến năm 1993 cho tới khi Cung điện Hoàng Gia hiện tại được xây dựng với chi phí khoảng 5,6 tỉ yen hoàn tất.
Việc Thái tử Naruhito lên ngôi sẽ đưa Hoàng tử Akishino, thành người đứng đầu hàng thừa kế ngai vàng với tước hiệu Koshi. Hoàng tử 53 tuổi được xem như Thái tử - tiếp quản các nhiệm vụ hiện tại của Thái tử Naruhito, và hưởng trợ cấp gấp 3 lần.
Ngoài Hoàng tử Akishino, những thành viên hoàng tộc có đủ điều kiện thừa kế ngai vàng chỉ còn: Hoàng tử Hitachi - em trai Nhật Hoàng Akihito - 83 tuổi và Hoàng tử Hisahito - 12 tuổi, con trai duy nhất của Hoàng tử Akishino.
Lễ nghi thoái vị và đăng quang
Lễ thoái vị của Nhật Hoàng Akihito chiều tối 30.4 với sự hiện diện của Thủ tướng và các chính trị gia cấp cao. Lễ thoái vị tiến hành tại Seiden-Matsu-no-Ma - căn phòng dành cho các sự kiện có tầm quan trọng tối cao ở Cung điện Hoàng gia. Thủ tướng Nhật Bản phát biểu nêu lý do việc thoái vị đồng thời bày tỏ lòng biết ơn với Nhật Hoàng Akihito. Sau đó, Nhật Hoàng Akihito sẽ có bài phát biểu cuối cùng với tư cách Thiên hoàng.
Ngay sáng hôm sau, con trai cựu Nhật Hoàng - Thái tử Naruhito sẽ bước vào căn phòng này, nhận các bảo vật trong “Tam chủng thần khí”. Theo The Guardian, để đảm bảo tính linh thiêng, những bảo vật đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ Nhật Hoàng sẽ tiếp tục được để trong những chiếc hộp khi chuyển giao cho tân Nhật Hoàng.
Tân Nhật Hoàng sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước thủ tướng, chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện và Chánh án Tòa án tối cao Nhật Bản cùng với nhiều nhân vật khác trong buổi lễ sáng 1.5.
Tuy nhiên, tới mùa thu (ngày 22.10) lễ “sokuirei seiden no gi” (lễ lên ngôi) công bố việc Thái tử Naruhito lên ngôi trước các quan khách trong và ngoài nước mới được tổ chức. Các bữa tiệc “kyoen no gi” mừng lễ đăng quang của tân Nhật Hoàng được tổ chức cùng ngày và các ngày sau đó.
Theo Thanh Hà/Lao động