Một cựu sĩ quan tình báo cấp cao của Hải quân Mỹ gây sốc khi thú nhận, quân đội Trung Quốc đang giành chiến thắng trong cuộc đua phát triển tên lửa thông thường, đặc biệt là tên lửa chống hạm.
"Chúng tôi biết, Trung Quốc đang sở hữu trong tay lực lượng tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất thế giới. Chúng có khả năng lấn át các hệ thống phòng thủ chúng tôi (Mỹ) đang theo đuổi", James Fanell, Đại úy Hải quân đã về hưu và từng là sĩ quan tình báo cấp cao trong Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nói.
Robert Haddick, cựu sĩ quan thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang làm cố vấn cho Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của nước này cũng tuyên bố với hãng thông tấn Reuters rằng, các tên lửa chống hạm của Trung Quốc có sức mạnh vượt xa những vũ khí cùng loại của Mỹ, xét cả về tầm bắn, tốc độ và tính năng cảm biến.
Từ rất lâu trước cuộc cách mạng năm 1949 ở Trung Quốc, Mỹ đã phớt lờ các khả năng quân sự của Bắc Kinh và vẫn không quan tâm chú ý nhiều sau đó. Trong khi đó, Bắc Kinh đã dành hàng thập kỷ để xây dựng các hệ thống tên lửa tầm xa giá rẻ, không chỉ ngang hàng với Lầu Năm Góc mà còn tạo thành mối đe dọa với những khí tài quân sự mạnh nhất của quân đội Mỹ - hàng chục siêu tàu sân bay Washington đang dùng để thị uy trước các nước đối địch.
Trung Quốc coi trọng việc phát triển tên lửa đến mức vào năm năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nâng vị thế của lực lượng tên lửa lên ngang hàng với các quân chủng khác thuộc quân đội nước này như Lục quân, Hải quân hay Không quân.
Mặc dù Bắc Kinh chưa bao giờ công khai kho tên lửa của họ, nhưng Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc từng cho đăng tải một vài con số thống kê về lực lượng tên lửa của quân đội nước này (PLARF). Cụ thể, PLARF có biên chế hoạt động khoảng 100.000 lính với 200 tên lửa đạn đạo liên lục địa và 300 tên lửa đạn đạo tầm trung. Lực lượng cũng đang có trong tay 1.150 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và 3.000 tên lửa hành trình.
Video: TuynbsccacusquantnhboMvquniTQ.mp4
Một vụ thử nghiệm tên lửa chống hạm YJ-18 trên biển.
Giới quân sự Mỹ đánh giá, các tên lửa của PLARF có lợi thế về cả tốc độ và tầm bắn so với vũ khí của Washington. Chẳng hạn như, Mỹ hiện không có các tên lửa chống hạm tầm xa hoặc siêu thanh đang hoạt động. Trong khi Trung Quốc đang sở hữu hai tên lửa loại "khủng" này là mẫu YJ-12 với tầm bắn xa tới 400km và tên lửa YJ-18 với tầm bắn tối đa 540km.
Tên lửa chống hạm tốt nhất của Mỹ hiện nay là RGM-UGH-84 Harpoon, với tầm bắn mới được nâng cấp lên 240km. Nhà sản xuất Raytheon đang cố gắng cải tiến tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn tối đa 1.600km để loại vũ khí này có thể tấn công tàu trên biển. Song, tên lửa Tomahawk hiện vẫn chưa sẵn sàng cho chiến đấu trên thực địa.
Theo Tuấn Anh/VietNamNet