Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng phong trào Áo vàng đã bị biến tướng so với những “đòi hỏi đúng đắn” ban đầu, chính vì vậy, “hiện nay, an ninh trật tự cần phải được đặt lên hàng đầu."
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Paris tối 25/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trước sự mong đợi của người dân Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tối 25/4 đã tổ chức một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp để thông báo những phương hướng hành động của chính quyền trong thời gian tới.
Đây cũng chính là câu trả lời của nhà lãnh đạo Pháp trước những yêu cầu của người dân đã được tiếp nhận thông qua cuộc thảo luận quốc gia, được tổ chức từ 15/1 đến 15/3, nhằm giải quyết những bất đồng sâu sắc trong xã hội quốc gia châu Âu.
Tổng thống Macron đã bắt đầu bài phát biểu bằng việc đề cập đến phong trào Áo vàng, cùng với các cuộc biểu tình gắn với bạo lực, gây ra những bất ổn xã hội suốt từ 5 tháng nay.
Ông cho rằng phong trào này đã bị biến tướng so với những ''đòi hỏi đúng đắn'' ban đầu. Chính vì vậy, ''hiện nay, an ninh trật tự cần phải được đặt lên hàng đầu."
Sáng kiến tổ chức một cuộc thảo luận quốc gia về các vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội đã giúp ông Macron học hỏi được rất nhiều, nhất là thông qua các buổi gặp gỡ với các thị trưởng địa phương.
Ông Macron tỏ ra tự hào vì cuộc thảo luận quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức và thu hút hàng triệu công dân tham gia, đã đem đến nhiều giải pháp hiệu quả cho đất nước.
Tổng thống cũng cho rằng nhờ đó, ông đã nắm bắt được tâm tư của người dân trước những bất công về thuế và sự phân biệt vùng miền, cảm nhận được sự thiếu tin tưởng của dân chúng đối với giới tinh hoa nắm quyền.
Một bộ phận người dân ngày càng cảm thấy bị quên lãng, bị bỏ rơi và không thể hòa nhập với xã hội thay đổi nhanh chóng.
Ông Macron đề cập đến những bà mẹ đơn thân một mình làm việc và nuôi dạy con cái, những đứa trẻ nạn nhân của nạn bạo hành, những người tàn tật, những người làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ tiền để sống tại đó.
Ông nhận ra rằng đó là những “vết thương,” những “điểm mù” của xã hội Pháp. Bên cạnh đó, người dân còn phải đối mặt với nỗi sợ hãi trước những thay đổi lớn, liên quan đến môi trường, vấn đề nhập cư, số hóa, tụt hạng xã hội và già hóa.
Ông Macron khẳng định rằng những kế hoạch thực hiện trong 2 năm qua đã đem đến những kết quả khả quan đầu tiên. Hơn 500.000 việc làm mới đã được tạo ra, đầu tư tăng cao và lần đầu tiên trong nhiều năm, tăng trưởng kinh tế của Pháp cao hơn các nước láng giềng.
Ông Macron nhấn mạnh rằng câu trả lời để đối phó với những bất công là đặt con người vào “vị trí trung tâm” của phương hướng phát triển trong những năm tới, nhằm đem lại hy vọng cho mỗi người và đề nghị mỗi người làm điều tốt nhất có thể.
Trong cố gắng nhằm hàn gắn những rạn nứt xã hội, Tổng thống Macron đề xuất 4 phương hướng mà chính quyền của ông sẽ thực hiện trong thời gian tới. Trước hết là “thay đổi sâu sắc nền dân chủ và thể chế."
Ông Macron muốn tăng cường vai trò của các thị trưởng cũng như của Nghị viện, tuy nhiên sẽ giảm số lượng nghị sỹ và giới hạn số lượng nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường cũng sẽ thay đổi để trở thành đại diện thực sự của người dân. Sự cải cách thể chế này sẽ được thực hiện ngay từ tháng 6 tới, với sự tham gia của 150 công dân ưu tú được lựa chọn theo hình thức “rút thăm."
Liên quan đến việc thiết lập cơ chế trưng cầu dân ý về sáng kiến công dân (RIC), ông Macron không đồng ý. Đây chính là đòi hỏi gai góc nhất của phong trào Áo vàng, mục tiêu là trao cho công dân quyền được soạn thảo và hủy bỏ một đạo luật về chủ đề mà người dân lựa chọn, quyền được bãi miễn các dân biểu, kể cả tổng thống. Tuy vậy, ông mong muốn tổ chức việc hỏi ý kiến người dân theo phương thức chia sẻ sáng kiến, mà Hiến pháp sửa đổi năm 2008 đã quy định nhưng chưa bao giờ được thực hiện.
Người biểu tình 'Áo vàng' tập trung tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 20/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phương hướng thứ 2 liên quan đến thuế, điều mà người dân mong chờ nhất. Tổng thống Macron tuyên bố sẽ giảm "đáng kể" thuế thu nhập, cũng như loại bỏ các lỗ hổng thuế. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng sẽ không thiết lập lại thuế đánh vào gia sản của người giàu (ISF) như phong trào Áo vàng đòi hỏi.
Theo ông, việc loại bỏ thuế này “không phải là một món quà” đối với người giàu mà là một hình thức khuyến khích đầu tư. Nhằm nâng cao mức sống của người về hưu, hệ thống lương hưu sẽ được cải tổ, nhất là đối với mức dưới 2.000 euro/tháng. Bên cạnh đó, sẽ không có trường học và bệnh viện nào sẽ bị đóng cửa từ nay đến 2022.
Đề cập đến phương hướng thứ ba, Tổng thống Macron cho biết một Hội đồng bảo vệ sinh thái sẽ được thành lập và bắt đầu hoạt động vào tháng 6 tới. Đó sẽ là một tổ chức thể chế, dựa trên cơ sở Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường hiện nay, nhằm đề ra các biện pháp và tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện các dự án liên quan. Nhiệm vụ trước tiên của Hội đồng là giúp người dân trong lĩnh vực giao thông và sửa chữa nhà ở.
Đối với phương hướng thứ tư, Tổng thống Macron mong muốn khẳng định vai trò của Pháp thông qua một “kế hoạch quốc gia."
Cụ thể, ông công bố một cơ chế đảm bảo trợ cấp lương thực đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Về vấn đề di cư, ông Macron khẳng định sự cần thiết phải cải thiện chính sách tiếp nhận và hội nhập cho những người tị nạn. Ông Macron muốn khởi động cuộc thảo luận hàng năm tại Nghị viện về chính sách nhập cư.
Còn quá sớm để biết rằng liệu những câu trả lời của Tổng thống Macron có tác động ngay lập tức đến tình hình xã hội và làm dịu đi “sự tức giận” của phong trào Áo vàng hay không. Tuy vậy theo một cuộc thăm dò nhanh do hãng Epoka thực hiện ngay sau buổi họp báo, rất nhiều biện pháp cụ thể của Tổng thống Macron đã được đông đảo người được hỏi ủng hộ./.
Theo Linh Hương/TTXVN