Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã áp dụng 5 chiến lược quan trọng, từng bước mang lại lợi ích cho Triều Tiên trong tiến trình đàm phán với Mỹ.
Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đều bày tỏ mong muốn xúc tiến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3, chỉ hai tháng sau khi cuộc gặp lần 2 tại Việt Nam kết thúc mà không đạt thỏa thuận.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.
Giới phân tích cho rằng, ông Kim Jong Un không từ bỏ ý định tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump nhưng ông sẵn sàng thử thách sự kiên nhẫn của nhà lãnh đạo Mỹ. Và ông đã gửi thông điệp này tới Mỹ thông qua loạt sự kiện kỷ niệm 107 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15/4. Trong tuyên bố mới nhất kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Việt Nam, nhà lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định ông sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump với điều kiện Mỹ chấp nhận các điều khoản khác nhau trên bàn đàm phán hạt nhân.
Theo cây bút Sam Vinograd của CNN, kể từ khi ông Trump khởi động chiến dịch ngoại giao với Triều Tiên, vai trò của ông Kim Jong Un ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trước hết, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thu hút được thêm nhiều sự ủng hộ đối với nước này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện giờ đang theo đuổi chính sách tạo dựng quan hệ gần gũi hơn với Triều Tiên, qua nỗ lực duy trì đàm phán và thúc đẩy những dự án kinh tế chung. Các nhà lãnh đạo khác như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến thăm Triều Tiên trong năm nay và Tổng thống Nga Putin cũng bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Triều lần đầu tiên.
Với ông Kim Jong Un, năm 2018 được coi là một năm đầy thành công và ông có lẽ hy vọng rằng năm 2019, mọi thứ thậm chí còn tốt đẹp hơn. Một mặt, Triều Tiên duy trì quan hệ hòa hoãn với Mỹ, mặt khác nước này vẫn bảo lưu chương trình hạt nhân chiến lược, không những vậy còn thu hút thêm nhiều bạn bè trên thế giới. Tất cả những thành quả này có được là nhờ 5 chiến lược quan trọng của nhà lãnh đạo Triều Tiên mà các nhà phân tích Youkyung Lee và Jon Herskovitz đã nêu rõ trong bài viết đăng tải trên tờ Bloomberg.
1. Kiên nhẫn chờ đợi
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn suốt hơn 1 năm qua: đối thoại với Tổng thống Trump hoặc nối lại các vụ thử tên lửa hay hạt nhân có nguy cơ gây leo thang căng thẳng và ông đã lựa chọn biện pháp đầu tiên. Sau khi không đạt được mục đích nới lỏng các biện pháp trừng phạt tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội, ông lại đưa ra một phương án khác: Kiên nhẫn chờ đợi.
Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội) khóa 14 diễn ra hôm 11/4, ông Kim Jong Un nói rằng ông sẽ “kiên nhẫn chờ đợi quyết định từ phía Mỹ cho đến cuối năm 2019”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết. Ngoài ra ông cũng tránh đề cập đến thất bại của các cuộc đàm phán Mỹ Triều, vốn sẽ gây sự chú ý trong bối cảnh Tổng thống Trump đang chuẩn bị chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020.
Duyeon Kim, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận xét rằng: “Kim Jong Un sẽ không phải là người đầu tiên rời xa chính sách ngoại giao. Ông ấy đã đẩy bóng sang sân của Mỹ và đang tìm cách khiến nó di chuyển linh hoạt hơn”. Phản ứng trước đề nghị đối thoại của Triều Tiên, Mỹ tuyên bố sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán. Phát biểu trong một sự kiện diễn ra hôm 15/4 tại Texas, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: “Tổng thống Trump quyết tâm theo đuổi chính sách ngoại giao và Mỹ đang mong chờ kết quả”.
2. Vừa cương vừa nhu
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thành công trong việc gây thiện cảm với Tổng thống Trump thông qua một loạt động thái như dừng thử hạt nhân, tên lửa, nhất trí phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Mặc dù lên tiếng chỉ trích đoàn đàm phán của Mỹ đưa ra những yêu cầu đơn phương, theo kiểu “gangster” tại cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 nhưng ông sẵn sàng dành lời khen ngợi cho Tổng thống Trump và khẳng định hai bên vẫn duy trì quan hệ cá nhân tốt đẹp. Tuy nhiên ông vẫn thể hiện sự thất vọng trước việc Tổng thốngTrump ủng hộ duy trì các biện pháp trừng phạt mà ông cho là “biện pháp hoàn toàn phi thực tế” của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
“Với lối suy nghĩ đó, Mỹ sẽ không thể dồn ép chúng tôi hoặc có được những gì họ muốn, ngay cả khi ngồi đàm phán với chúng tôi hàng trăm hay hàng nghìn lần”, ông Kim Jong Un nói, đồng thời lên án “các thế lực thù địch đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên”.
Cựu đặc phái viên Hàn Quốc tham gia đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, ông Chun Yungwoo nhận định: “Ông Kim Jong Un rất quan tâm đến các biện pháp trừng phạt, điều này cho thấy những biện pháp này thật sự phát huy tác dụng. Tuy nhiên Triều Tiên sẽ không nhượng bộ trước những điều khoản và điều kiện mà Tổng thống Trump đã đặt ra cho đến thời điểm hiện tại”.
3. Giữ vững con bài mặc cả
“Phi hạt nhân hóa” không nằm trong số những từ ngữ phổ biến trong phiên bản tiếng Anh của truyền thông Triều Tiên khi trích dẫn phát biểu của lãnh đạo Kim Jong Un. Thay vào đó là những lời lẽ cho thấy ông tin tưởng vào “sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng vũ trang hạt nhân”, vấn đề đã khiến Mỹ lo ngại về an ninh và đưa lên bàn đàm phán. Đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Giới quan sát cho rằng, những tuyên bố mà ông Kim Jong Un đưa ra được xem là nỗ lực để trấn an tinh thần người dân trong nước, ám chỉ việc Triều Tiên nên giữ vững nguyên tắc tự lực tự cường và tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước. Tuy nhiên, tuyên bố cũng gián tiếp gửi thông điệp cứng rắn với Mỹ nếu nước này để vượt quá “giới hạn đỏ” mà Triều Tiên đưa ra.
4. Củng cố quyền lực
Sách lược chờ đợi vẫn có những mặt trái của nó khi toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên đang bị kiềm tỏa bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, giới hạn mọi thứ từ nhập khẩu năng lượng đến mua máy tính cá nhân. Khó khăn về kinh tế nếu kéo dài quá lâu có nguy cơ gây tổn hại đến vai trò cầm quyền của lãnh đạo Kim Jong Un.
Lường trước nguy cơ này, trong phát biểu thời gian gần đây, ông Kim Jong Un đã khéo léo lái sự chú ý sang “các thế lực thù địch”, kêu gọi “giáng đòn nghiêm trọng” vào những thế lực đang cố gắng hạ bệ Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt. “Bất chấp thách thức và khó khăn ở phía trước, trong tương lai chúng ta sẽ không nhượng bộ hay thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến lợi ích cơ bản của đất nước và của người dân”, ông nói.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng điều chỉnh nhân sự trong bộ máy lãnh đạo, thay thế một số quan chức cao tuổi từ các thế hệ trước bằng những nhân vật trẻ tuổi hơn. Chẳng hạn như Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Choe Ryong-hae, sinh năm 1950 được chỉ định thay thế ông Kim Yong-nam làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao – người đứng đầu nhà nước Triều Tiên trên danh nghĩa hay ông Kim Jae-ryong, thành viên cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ thay thế Thủ tướng Pak Pong-ju. Còn ông Pak Pong-ju được điều sang làm Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên.
Trước đó hôm 14/4, ông Kim Jong Un đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quân đội bằng cách thăng chức cho nhiều tướng lĩnh trước thềm sự kiện kỷ niệm 107 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Michael Madden, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, có trụ sở ở Washington nhận xét: “Quá trình chuyển đổi và củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã được hoàn tất. Đây có lẽ là đợt cải tổ lớn nhất từ trước đến nay”.
5. Gây sức ép với Hàn Quốc
Ông Kim Jong Un đã lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc, trong một thông điệp cảnh báo gửi tới Tổng thống Moon Jae-in. Ông Moon Jae-in trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng hôm 11/4 đã nỗ lực thuyết phục ông Trump tìm kiếm tiếng nói chung giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc nên từ bỏ “vai trò hòa giải” của nước này. KCNA ngày 14/4 cũng đăng tải bài bình luận nói về việc Hàn Quốc tiếp tục tham gia tập trận chung với Mỹ và triển khai các loại máy bay tàng hình F-35A do Mỹ sản xuất tại nước này. Bài viết cáo buộc Hàn Quốc đã “phá vỡ cam kết giảm căng thẳng quân sự”.
Phía Hàn Quốc ngay lập tức đưa ra phản ứng. Tổng thống Moon Jae-in hôm 15/4 đã yêu cầu các bộ trưởng nước này tìm cách tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh khác với Chủ tịch Kim Jong Un. Ông Moon Jae-in cho biết luôn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên bất kể hình thức nào và ở địa điểm nào./.
Theo VOV