Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người tự phong là tổng thống lâm thời Venezuela, cho biết ông đã chuẩn bị sẵn tâm lý bị chính quyền bắt giữ, thậm chí lên kế hoạch để tiếp tục duy trì phong trào biểu tình do ông lãnh đạo.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát biểu trước những người ủng hộ tại Caracas ngày 30/3. (Ảnh: Reuters)
“Trong trường hợp họ muốn, hoặc tìm cách, bắt giữ tôi, và họ chắc chắn sẽ làm điều đó, tôi đã có sẵn một chiến lược hoàn chỉnh để không chỉ tiếp tục vai trò lãnh đạo, mà còn gia tăng sức ép”, “tổng thống tự phong” Juan Guaido cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc họp về chính sách của phe đối lập nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
“Một vụ bắt giữ sẽ càng làm gia tăng sức ép ở cả trong nước cũng như quốc tế, và tôi dám khẳng định đây sẽ là một trong những động thái chính trị khó đoán sau cùng của chính quyền Venezuela”, ông Guaido nói thêm.
Theo luật Venezuela, thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, 35 tuổi, được hưởng quyền miễn trừ truy tố do giữ vị trí chủ tịch quốc hội. Tuy nhiên, sau khi phe đối lập kiểm soát quốc hội Venezuela, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro đã thành lập Hội đồng Lập hiến vào năm 2017 để vô hiệu hóa quyền lực của quốc hội.
Ngày 2/4, Chủ tịch Hội đồng Lập hiến Venezuela Diosdado Cabello tuyên bố các nhà lập pháp đã nhất trí tước bỏ quyền miễn trừ truy tố đối với Juan Guaido, đồng thời ủy quyền cho tòa án tối cao truy tố hình sự ông này vì vi phạm lệnh cấm xuất cảnh và tội tiếm quyền sau khi tự phong là tổng thống lâm thời của Venezuela. Điều này đồng nghĩa với việc thủ lĩnh đối lập Venezuela có nguy cơ bị truy tố.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận người dân Venezuela và sự công nhận từ khoảng 50 quốc gia trên thế giới, song ông Guaido vẫn đối mặt với nhiều sức ép từ chính quyền đương nhiệm. Chính quyền Maduro đã mở một cuộc điều tra nhằm vào Juan Guaido với hàng loạt cáo buộc như kích động bạo lực, nói dối về tài chính cá nhân và bị cấm rời khỏi Venezuela.
“Những gì chúng ta đang thấy là một chính phủ không có động thái ứng phó với khủng hoảng. Họ đang tìm cách kiểm soát một xã hội đang sôi sục”, “tổng thống tự phong” Juan Guaido nói.
Mặc dù Juan Guaido và các đồng minh đã chuẩn bị sẵn tâm lý bị bắt giữ vào bất kỳ thời điểm nào, song ông vẫn lo ngại về kịch bản bị giam giữ trong tù.
“Tôi đã thấy những điều xấu xa ở rất gần. Tuy nhiên bạn không thể chuẩn bị gì cho việc bị bắt cóc, sát hại hoặc nhìn gia đình bạn chịu đau khổ”, ông Guaido nói.
Tổng thống tự phong của Venezuela cho biết ông vẫn giữ liên lạc với đại diện của Mỹ và các chính phủ nước ngoài, những người bày tỏ quan ngại về chiến dịch của chính quyền Venezuela nhằm chống lại ông và cam kết ủng hộ ông. Juan Guaido hy vọng có thể tận dụng cơn giận dữ ngày càng lan rộng của người dân về tình trạng mất điện và thiếu nước đang diễn ra tại Venezuela, từ đó kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình vào cuối tuần này.
Sự ủng hộ từ nước ngoài
Các chính phủ nước ngoài, những nước công nhận Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela, đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc chính quyền tước quyền miễn trừ truy tố đối với ông Guaido. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell yêu cầu chính quyền Venezuela tôn trọng “sự tự do” của thủ lĩnh đối lập.
Các quan chức Mỹ cũng nhanh chóng vào cuộc. Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott “cảnh báo” chính quyền Maduro rằng, Mỹ “sẽ không khoanh tay đứng nhìn” nếu có chuyện gì xảy ra với Juan Guaido. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio tuyên bố bất kỳ động thái nào của chính quyền Maduro nhằm bắt giữ Juan Guaido cũng bị coi là một “cuộc đảo chính” và sẽ dẫn tới “những hệ quả”.
“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Juan Guaido đều sẽ bị coi là một cuộc đảo chính đối với tất cả những nước đã công nhận ông ấy là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela. Bất kỳ ai hợp tác với kế hoạch (bắt giữ) này sẽ bị coi là kẻ có âm mưu đảo chính và bị trừng phạt thích đáng”, Marco Rubio, một nghị sĩ hàng đầu của Mỹ, bình luận trên Twitter.
Theo Thành Đạt/Dân Trí
(Nguồn Bloomberg)