24
/
71538
Chiến lược đối kháng Trung Quốc của quân đội châu Âu ở Biển Đông
chien-luoc-doi-khang-trung-quoc-cua-quan-doi-chau-au-o-bien-dong
news

Chiến lược đối kháng Trung Quốc của quân đội châu Âu ở Biển Đông

Thứ 4, 20/03/2019 | 14:28:23
854 lượt xem

Các nước châu Âu sẽ tăng cường hiện diện, bao gồm gia tăng hoạt động hàng hải, để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Các khu trục hạm Pháp đi qua vùng biển của thành phố cảng La Spezia, Italy tháng 5/2009. Ảnh: Pinterest.

Liên minh châu Âu (EU) đã "sẵn sàng bắt đầu tạo dấu ấn của họ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", Liselotte Odgaard, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Hudson tại Washington, phát biểu tại sự kiện hôm 18/3 khi thảo luận về vai trò của EU trong khu vực, theo SCMP.

Odgaard cho biết EU sẽ có đường lối chính sách chung như phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải. Tuy nhiên, EU chưa thể đi sâu hơn vào các sáng kiến chính sách cứng rắn bởi điều này cần được sự thống nhất trong toàn khối. Nhưng Odgaard nhận thấy đã có "sự gia tăng đáng kể" trong hoạt động của EU tại vùng biển này.

Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng, nơi lưu thông của khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm, chiếm 1/3 khối lượng thương mại toàn cầu. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích vùng biển này, chồng lấn vùng biển của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Các hoạt động quân sự và xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Mỹ và các nước đồng minh nhiều lần phản đối. Ấn Độ rất cảnh giác với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. EU và một số quốc gia thành viên cũng nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự và các hoạt động xây đảo của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hải quân và không quân Mỹ đã tăng cường các chuyến tuần tra bằng tàu và máy bay để đảm bảo một Ấn Độ Dương "tự do và mở", trong khi Pháp thực hiện các hoạt động hàng hải qua Biển Đông từ năm 2014. Odgaard cho biết một số nước đã điều quân nhân tham gia trên các tàu Pháp trong những năm gần đây để ủng hộ kêu gọi của EU trong việc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về tự do hàng hải ở các vùng biển.

"Năm nay, Đan Mạch sẽ điều một tàu khu trục và Pháp sẽ triển khai một nhóm tàu sân bay đến Ấn Độ - Thái Bình Dương", Odgaard nói. "Vì vậy, đã có một bước tiến dần dần của nỗ lực này khi một nhóm quốc gia thống nhất thực hiện các hoạt động để ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông".

Theo Odgaard, một số nước EU nên tham gia diễn tập quân sự với Ấn Độ và Nhật, "để đó không chỉ là EU mà sẽ là một nhóm quốc gia lớn, nhằm phát đi thông điệp rằng đây là cả châu Âu chứ không chỉ vài quốc gia riêng lẻ".

Anh lên kế hoạch triển khai một trong số các tàu sân bay đến Thái Bình Dương và đang xem xét thành lập một loạt căn cứ mới trong khu vực. Pháp đang thảo luận khả năng tổ chức tập trận với quân đội Nhật Bản.

Patrick Cronin, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson, cũng kêu gọi đưa châu Âu "vào sự cân bằng" ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm buộc Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.

"Tôi nhận thấy câu hỏi về các nguyên tắc ưu tiên (đề cập đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc) chủ yếu được thúc đẩy bởi Trung Quốc, không phải các cường quốc hay luật pháp quốc tế, là một trong những thách thức hàng đầu mà chúng ta đối mặt ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên toàn cầu", Cronin nói. "Đó là lý do châu Âu có thể giúp ích trong việc nhắc nhở mọi người rằng chúng ta nên hành động theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, không phải chỉ một số lĩnh vực gây ảnh hưởng đặc biệt, nơi các quy tắc đột nhiên bị áp dụng khác nhau". 

Châu Âu ngày càng lo ngại về những thách thức kinh tế và an ninh mà Trung Quốc, quốc gia nhiều lần bị cáo buộc không tuân thủ quy tắc quốc tế, đặt ra cho khối. Trong một tài liệu của EU được công bố tuần trước, Ủy ban châu Âu lần đầu tiên xác định Trung Quốc là một "đối thủ kinh tế" và "đang thúc đẩy những mô hình điều hành thay thế".

Tài liệu cũng nêu ra 10 đề xuất để tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và củng cố sự thống nhất của EU để chống lại ảnh hưởng từ đối tác thương mại hàng đầu của khối.

Các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về các đề xuất này tại hội nghị thượng đỉnh ngày 21/3, hội nghị đầu tiên của họ trong nhiều năm qua, để giải quyết các vấn đề liên quan tới Trung Quốc bên cạnh một loạt cuộc họp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập sẽ tới Italy và Pháp từ tuần này và EU cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc vào tháng 4.

Phát biểu tại đối thoại an ninh với ngoại trưởng các nước EU tại Brussels hôm 18/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Trung Quốc và EU có những khác biệt trong một số vấn đề nhưng hợp tác vẫn là điểm mấu chốt trong mối quan hệ giữa hai bên.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu nói với SCMP rằng ngoài nỗi bất an ngày càng tăng do thiếu tiếp cận thị trường giữa EU và Trung Quốc, trong khối cũng xuất hiện bất ổn nghiêm trọng trước sự quyết đoán của Bắc Kinh trong các chiến lược hàng hải như ở Biển Đông. Nguồn tin nhấn mạnh các nước EU có thể tiến hành thêm các hoạt động hàng hải ở Biển Đông.

Anh nhiều lần tuyên bố ý định tăng cường hoạt động tại các vùng biển châu Á và thực hiện các hoạt động chung với Mỹ. London điều tàu hải quân đến gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hồi tháng 8 năm ngoái, động thái khiến Bắc Kinh tức tối. Anh cũng tổ chức hai cuộc tập trận hải quân với Mỹ ở Biển Đông trong năm nay.

Tàu USS McCampbell của Mỹ và HMS Argyll của Anh trong cuộc diễn tập chung trên Biển Đông hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Tàu USS McCampbell của Mỹ và HMS Argyll của Anh trong cuộc diễn tập chung trên Biển Đông hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

John Hemmings, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á và phó giám đốc Hiệp hội Henry Jackson, một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Anh, nói rằng Anh đang xem xét chính thức hóa chính sách chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Theo ông, 124 tỷ USD hàng hóa, tương đương 12% tổng giá trị thương mại của Anh, đi qua Biển Đông mỗi năm. 

"Bởi vậy, chúng tôi sẽ để ý đến Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trong khu vực đang cố kiểm soát tuyến đường thủy đó", Hemmings nói. "Anh sẽ không dẫn đầu, nhưng chắc chắn sẽ tham gia, phối hợp và trở thành đối tác có trách nhiệm của cộng đồng các quốc gia quan tâm đến khái niệm Ấn Độ -Thái Bình Dương".

Hà Lan hồi tháng 10/2018 thông báo sẽ triển khai một tàu chiến tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong đợt triển khai hoạt động đầu tiên ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương năm 2021. Ngoài ra, Anh sẽ cùng Canada, Australia và các nước châu Âu khác "tập hợp và hoạt động trong các nhóm như vậy".

Theo Huyền Lê/VnExpress

  • Từ khóa

Seoul đang hứng tuyết dày ngày thứ 2, gần gấp đôi "kỷ lục thế kỷ" hôm trước

Hàn Quốc đang vật lộn với ngày tuyết rơi dày thứ 2 với ít nhất 4 người đã thiệt mạng, có nơi ở Seoul lớp tuyết lên tới 40 cm.
16:22 - 28/11/2024
168 lượt xem

Thái Lan 'hành động quyết liệt' để bảo vệ đạo Phật

Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ hành động quyết liệt hơn để bảo vệ Phật giáo trước hàng loạt tệ nạn như ma túy, cờ bạc, trục lợi tiền cúng dường, truyền...
15:22 - 28/11/2024
200 lượt xem

Ông Medvedev nêu điều kiện dẫn đến việc tấn công các căn cứ NATO

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Nga có thể tấn công các căn cứ NATO trong trường hợp leo thang.
13:54 - 28/11/2024
213 lượt xem

Bolivia - Trung Quốc ký thỏa thuận xây nhà máy lithium carbonat

Bolivia ngày 26.11 cho biết họ đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với CBC của Trung Quốc, một công ty con của gã khổng lồ sản xuất pin CATL, để xây...
12:10 - 28/11/2024
268 lượt xem

Đông Nam Á thúc đẩy sản xuất nội địa

Việc cấm bán iPhone 16 khiến Indonesia trở thành hình mẫu khu vực trong việc bảo vệ quyền lợi cho các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh...
09:50 - 28/11/2024
332 lượt xem