Nhật Bản quyết định sẽ không trình dự thảo nghị quyết về vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên lên Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa: Reuters.
Đây được coi là một động thái hòa giải của Nhật Bản nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng tham gia đàm phán song phương.
Kể từ năm 2007 tới năm 2018, hàng năm Nhật Bản đều đệ trình dự thảo này tới Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Âu nhằm gây sức ép với Triều Tiên để giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nhấn mạnh chính phủ đưa ra quyết định này dựa trên đánh giá tổng thể về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều mới kết thúc và các vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ trong việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang áp đặt đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng việc Liên minh cầm quyền gồm Đảng tự do dân chủ và đảng Công Minh thực thi các chính sách mềm dẻo với Triều Tiên sẽ là tín hiệu mở đầu cho các cuộc đàm phán song phương, đặc biệt trong thời điểm chính quyền Bình Nhưỡng lo ngại những chỉ trích quốc tế về vấn đề nhân quyền.
Trong một động thái khác có liên quan, hôm qua (12/3), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có buổi nói chuyện với ông Yasushi Chimura, một trong những người được Triều Tiên cho hồi hương cùng vợ năm 2002. Ông Chimura bày tỏ mong muốn ông Abe sẽ có các cuộc đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên để giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc./.
Theo Việt Dũng/ VOV