Đã xuất hiện nỗi lo các gia đình có thể sử dụng mạng xã hội để "đấu giá" con gái nhỏ tuổi nhằm kiếm những món hồi môn lớn hơn
Cuối tháng 10-2018, Deng Nyalong - cô bé Nam Sudan 16 tuổi - đã bị "đấu giá" trên mạng xã hội Facebook. Trong số 5 người đàn ông tham gia đấu giá để mua em về làm vợ, có cả quan chức chính phủ.
Cô dâu đắt giá
Facebook bị chỉ trích nặng nề do không kịp thời ngăn chặn cuộc đấu giá diễn ra. Ảnh của cô bé được đăng tải trên Facebook hôm 25-10 và đã được lưu trên đó trong 2 tuần lễ trước khi bị gỡ xuống hôm 9-11.
Mọi chuyện quá trễ khi giới truyền thông đưa tin cha cô bé đã bán con gái cho người ra giá cao nhất - một doanh nhân giàu có - 500 con bò, 3 ôtô và 10.000 USD. Đám cưới diễn ra tại bang Eastern Lakes ngày 3-11-2018 và những bức ảnh chụp cô dâu nhí mặc áo cưới màu trắng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Một số bản tin gọi cô bé là "phụ nữ đắt giá nhất Nam Sudan".
"Chuyện một cô bé được đem bán để lấy chồng trên mạng xã hội lớn nhất thế giới là không thể tin được" - ông George Otim, giám đốc một tổ chức về quyền trẻ em ở Nam Sudan, bày tỏ với trang Gulf News. Theo ông, không thể bào chữa chuyện cô bé vị thành niên này bị đối xử chẳng khác gì đồ vật. ư
Nhà hoạt động này kêu gọi chính phủ Nam Sudan điều tra vụ việc và đình chỉ bất kỳ quan chức nào tham gia vụ đấu giá cũng như khuyến khích các bé gái rơi vào tình huống tương tự trình báo cảnh sát lập tức.
Trong khi đó, tổ chức từ thiện Equality Now hướng chỉ trích về phía Facebook. Theo họ, vụ việc tạo ra tiền lệ nguy hiểm khi các gia đình có con gái có thể sử dụng các mạng xã hội để kiếm những món hồi môn lớn hơn. Trong khi đó, phát ngôn viên Facebook tuyên bố bất kỳ hình thức buôn người nào - cho dù là bài đăng, trang, quảng cáo hoặc nhóm... - đều bị cấm trên nền tảng này.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hơn một nửa nữ giới Nam Sudan lấy chồng trước 18 tuổi - độ tuổi kết hôn hợp pháp ở đây. Nhiều cộng đồng tại quốc gia non trẻ này xem lấy chồng sớm là cách bảo vệ cô gái thoát khỏi tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân và mang thai ngoài mong muốn hoặc để đổi lấy của hồi môn như trâu bò.
Cô bé Deng Nyalong ngồi kế bên chồng mình tại đám cưới. Ảnh: JUBA TV/FACEBOOK
Tự tử vì bị ép lấy chồng
Cũng vào cuối năm 2018, người dân Lebanon bàng hoàng trước tin một bé gái 14 tuổi treo cổ tự tử ngay tại nhà. Cuộc điều tra sau đó xác định cô bé bị gia đình ép phải lấy chồng. Ở Lebanon, cha mẹ có khuynh hướng gả chồng cho con gái ở độ tuổi còn nhỏ. Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng 4%-15% nữ giới Lebanon kết hôn khi chưa đến 18 tuổi.
Một tổ chức nữ quyền phi chính phủ ở Beirut đã thực hiện cuộc vận động chống lại tệ nạn cô dâu nhí, tuyên bố đó là một trong những nỗ lực của họ nhằm gia tăng áp lực buộc chính phủ thay đổi luật và hình sự hóa nạn tảo hôn. Họ cũng đăng tải trên website của họ câu chuyện có thật về những cô bé lấy chồng sớm và chịu đau khổ, thậm chí một số còn bị chính chồng ra tay sát hại.
Còn tại Malaysia, theo báo The Star, cưới được vợ vị thành niên là mong muốn của không ít nam giới dù họ có theo đạo Hồi hay không. Theo Viện Penang - cơ quan tư vấn chính sách của chính phủ, dữ liệu thống kê cho thấy 10.240 đàn ông Hồi giáo xin cưới vợ trẻ con ở Malaysia trong giai đoạn 2005 - 2015; 7.719 đàn ông ngoài đạo Hồi xin cưới vợ 16-18 tuổi từ năm 2000 - 2014. Ông Ooi Kok Hin, chuyên gia tại Viện Penang, hé lộ tỉ lệ chấp thuận đơn của người Hồi giáo năm 2015 là 81%.
Che Abdul Karim Che Hamid, 41 tuổi, cưới người vợ thứ ba mới 11 tuổi. Ảnh: CARIGOLD
Mùa hè 2018, dư luận bất ngờ khi ông Che Abdul Karim Che Hamid, 41 tuổi, đã từ Malaysia vượt qua biên giới đến tỉnh Narathiwat ở miền Nam Thái Lan xa xôi để tổ chức lễ cưới người vợ thứ ba... mới 11 tuổi trong một nhà thờ Hồi giáo nhỏ bên bờ dòng sông Golok.
Ở Malaysia, nơi đàn ông được phép cưới bé gái dưới 18 tuổi nếu được tòa án luật Hồi giáo chấp thuận, chuyện của bé Ayu vừa nêu đã gây ra làn sóng phản đối trên cả nước. Thế nhưng, bên kia biên giới ở Thái Lan, chính phủ và nhà chức trách tôn giáo đều im lặng.
Kể từ năm 2003, theo luật bảo vệ trẻ em của Thái Lan, người dưới 17 tuổi không được kết hôn và quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên là một tội bị truy tố. Tuy nhiên, ở các tỉnh miền Nam như Narathiwat, Pattani và Yalla, nơi người Hồi giáo chiếm đa số, một lỗ hổng về pháp lý khiến các cộng đồng Hồi giáo có thể áp dụng luật đạo Hồi vào các vấn đề gia đình.
Theo báo The Guardian, luật ở đó không quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu và về mặt văn hóa, các bé gái được xem là có thể lấy chồng ngay khi bắt đầu dậy thì. Do đó, ở khu vực này, những bé gái không kết hôn trước 16 tuổi bị xem là quá trễ.
Cũng do lỗ hổng pháp lý kể trên, đàn ông Malaysia vượt qua biên giới vào miền Nam Thái Lan cưới vợ nhỏ tuổi hoặc cưới thêm vợ trong khi ở Malaysia có thể không cho phép điều này hoặc nếu có cũng rất nhiêu khê.
Hiện không có số liệu chính thức về chuyện bé gái lấy chồng ở Thái Lan. Tuy nhiên, dữ liệu từ ủy viên nhân quyền ở nước này cho thấy chỉ riêng năm 2016 tại các bệnh viện công ở tỉnh Narathiwat, có 1.100 thiếu nữ có chồng sinh con.
Theo Ngô Sinh/ NLĐ