Phụ nữ bang Kerala tạo thành hàng dài 620 km đòi bình đẳng giới khi bị một ngôi đền cấm cửa vì "trong độ tuổi kinh nguyệt".
Phụ nữ xếp hàng trên quốc lộ bang Kerala. Ảnh: CV Lenin.
Tòa án tối cao Ấn Độ hồi tháng 9 bác bỏ quy định do đền thờ Sabarimala ở bang Kerala, một trong những nơi được coi là linh thiêng nhất của người Hindu, ban hành, trong đó cấm toàn bộ phụ nữ "trong độ tuổi có kinh nguyệt", bao gồm các bé gái từ 10 tuổi tới phụ nữ 50 tuổi. Dù lệnh cấm đã bị bác, phụ nữ tới ngôi đền này vẫn bị những người phản đối tấn công, theo BBC.
Hôm qua, liên minh cánh tả trong chính quyền bang Kerala đã kêu gọi 5 triệu phụ nữ tới từ nhiều vùng tập trung trên đường quốc lộ, tạo thành "hàng người" dài 620 km kéo dài từ mũi phía bắc Kasaragod tới phía nam ở Thiruvanthapuram. Sự kiện nhằm chống lại bất bình đẳng giới và phản đối nỗ lực của nhóm cánh hữu ủng hộ lệnh cấm phụ nữ tới đền thờ.
"Đây là một cách tuyệt vời để thể hiện sức mạnh của phụ nữ và cách thức chúng ta trao quyền cho bản thân cũng như giúp đỡ người khác. Đương nhiên, tôi ủng hộ động thái cho phép phụ nữ mọi lứa tuổi bước vào đền thờ. Tôi cho rằng truyền thống hoặc bất kỳ phong tục lạc hậu nào đều không có quyền ngăn cấm phụ nữ. Họ muốn cầu nguyện, họ có quyền cầu nguyền", Kavita Das, một phụ nữ trẻ tham gia biểu tình, cho hay.
"Sự kiện này không chỉ nói về Sabarimala. Tôi tin rằng phụ nữ và đàn ông đều có quyền bình đẳng", Tanuja Bhattadri, một người khác tham gia tạo "chuỗi người", nói.
Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết cho phép phụ nữ đi lễ ở đền Sabarimala, sau khi nhận đơn kiến nghị cho rằng việc cấm phụ nữ đi lễ đã vi phạm quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Ấn Độ là Bharatiya Janata cho rằng phán quyết này đã vi phạm các giá trị truyền thống của Ấn Độ giáo.
Hồi tháng 10, hai phụ nữ đã đi bộ 5 km với hơn 100 cảnh sát bảo vệ để tìm cách đến được khuôn viên đền Sabarimala. Cuối cùng, họ buộc phải quay đầu khi chỉ cách đền Sabarimala vài mét bởi phản ứng dữ dội của những người phản đối.
Vấn đề trở nên ngày càng nhạy cảm khi cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ sắp diễn ra vào tháng 4 và tháng 5/2019. Các nhà phê bình cáo buộc Thủ tướng Narenda Modi theo đuổi chương trình gây chia rẽ tôn giáo.
Ấn Độ giáo coi phụ nữ có kinh nguyệt là ô uế và cấm họ tham gia các nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết các đền thờ tại Ấn Độ đều cho phép phụ nữ đi lễ, nếu họ không trong thời kỳ kinh nguyệt, thay vì cấm hẳn phụ nữ trong nhóm tuổi này vào đền thờ.
Theo Hồng Hạnh/ Vnexpress