Dưới đây là những thảm họa kinh hoàng gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của trên thế giới trong năm 2018.
Núi lửa phun trào ở Guatemala: Ít nhất 110 người thiệt mạng cùng với ngôi làng San Miguel Los Lotes, ở sườn phía Nam của núi lửa Fuego gần như bị vùi lấp hoàn toàn sau khi núi lửa này hoạt động trở lại dữ dội nhất trong 40 năm qua vào đầu tháng 6/2018. Ảnh: AP
Người lính cứu hộ bế một em bé vừa được cứu ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng trong vụ núi lửa phun trào kinh hoàng ở Guatemala. Ảnh: Reuters
Cháy rừng ở Hy Lạp: Thảm họa thiên nhiên khiến ít nhất 79 người thiệt mạng ở Hy Lạp ngày 23/7 này được coi là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại châu Âu. Ảnh: AFP
Cháy lớn cùng với sức gió mạnh hơn 100km/h đã khiến các khu vực phía đông và phía tây thủ đô Athens bị tàn phá nặng nề. Trong ảnh là những chiếc ô tô bị thiêu rụi sau trận cháy rừng ở làng Mati, Hy Lạp. Ảnh: AFP
Siêu bão Mangkhut: Cơn bão Mangkhut với sức gió lên tới 160km/h cùng mưa lớn và gió giật mạnh khi đổ bộ vào Trung Quốc đã khiến 1,3 triệu người phải đi sơ tán vào tháng 9/2018. Ảnh: EPA
Khi di chuyển về phía Philippines, siêu bão Mangkhut đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và của cho quốc gia này khi làm 81 người thiệt mạng, phá hủy 2.800 ngôi nhà và khiến 155.000 người phải di tản đến nơi an toàn. Ảnh: Reuters
Động đất ở Đài Loan: Ngày 6/2, trận động đất mạnh 6,5 độ richter xảy ra tại vùng biển phụ cận huyện duyên hải Hoa Liên ở Đài Loan, Trung Quốc đã gây ra nhiều thương vong và làm nhiều tòa nhà đổ sập. Đây cũng là trận động đất lớn nhất tại Hoa Liên kể từ năm 1972 trở lại đây. Ảnh: Getty
Vào lúc 20h ngày 23/7, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy với dung tích hơn 5 tỷ m3 của Lào bị vỡ khiến trên 1.300 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 6.600 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, hàng chục người chết và hàng trăm người khác bị mất tích. Ảnh: Getty
Chính phủ Lào đưa ra thông báo khu vực huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu trở thành khu vực thiên tai thảm họa. Ảnh: EPA
Ngày 14/8, một đoạn cây cầu Morandi tại Genoa, Iatly bất ngờ sập xuống làm ít nhất 35 người thiệt mạng cùng với hàng loạt các phương tiện rơi xuống từ độ cao 45 mét.
Theo báo chí Italy, các dấu hiệu bất ổn liên quan đến cây cầu này được cảnh báo từ năm 2016 đã bị bỏ qua, bất chấp thực tế là chính quyền địa phương tại Genoa phải chi một khoản tiền bảo dưỡng thường xuyên cho cây cầu cao hơn cả chi phí xây dựng cây cầu.
Ngày 13/9 (giờ địa phương), siêu bão Florence sau khi đổ bộ vào nước Mỹ đã đem theo mưa lớn và gây ngập lụt nghiêm trọng. 1.100 nhân viên cứu hộ của Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) được triển khai ở cả hai bang North và South Carolina, cùng 40 máy bay, hơn 7.100 thành viên của lực lượng bảo vệ bờ biển, 500 nhân viên y tế cùng lực lượng vệ binh quốc gia ở cả 2 bang. Ảnh: AP
Sức tàn phá khủng khiếp của bão Florence. Ảnh: AP
Thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia đã khiến đất ở đây"hóa lỏng", chôn vùi gần như tất cả mọi thứ và biến các ngôi làng ở Palu thành nghịa địa khổng lồ.
Thiên tai kinh hoàng làm hơn 1.500 người thiệt mạng này khiến Indonesia buộc phải chôn cất các nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể. Ảnh: AFP
Cháy rừng ở thị trấn Paradise, phía bắc California khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích, hơn 6.700 ngôi nhà bị thiêu rụi và hàng chục nghìn cư dân phải sơ tán khẩn cấp. Ảnh: AP
Một khu phố bị thiêu rụi ở Paradise, California ngày 15/11. Ảnh: AFP
Cuối tháng 10/2018, chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) đã lao xuống biển khiến toàn bộ 189 người thiệt mạng./.
Theo VOV