Nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Mỹ cho thấy các đại dương đang ấm lên nhanh hơn so với con người tưởng tượng, lý giải vì sao các cơn bão ngày càng khốc liệt.
Mây bão trên nhà máy lọc dầu Pulau Bukom ở Singapore hồi năm 2016 - Ảnh: REUTERS
Sự nhận thức chậm trễ này cũng đồng nghĩa chúng ta đang có ít thời gian hơn để sửa chữa lỗi lầm với "Mẹ thiên nhiên" bằng cách hạn chế cách giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Nghiên cứu mới không đo trực tiếp nhiệt độ của đại dương. Thay vào đó, các nhà khoa học đo lượng khí, đặc biệt là oxy và CO2, đã thoát khỏi đại dương trong những thập kỷ gần đây và đi vào bầu khí quyển khi nó bắt đầu nóng lên.
Phương pháp này cung cấp cho các nhà khoa học một chỉ số đáng tin cậy về sự thay đổi nhiệt độ đại dương bởi nó phản ánh đúng bản chất cơ bản của chất lỏng khi đun nóng.
Điều này cũng giống như khi bạn để một lon Coca Cola đã mở nắp dưới ánh sáng mặt trời, không bao lâu sau nó sẽ bị mất hơi gas vốn có.
Trong vòng 25 năm qua, mỗi năm các đại dương trên hành tinh của chúng ta giữ lại lượng nhiệt nhiều hơn 60% so với các nhà khoa học trước đó đã nghĩ, theo ông Laure Resplandy, một nhà địa chất học tại Đại học Princeton (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu đáng ngạc nhiên được công bố hôm thứ 31-10 trên tạp chí Nature.
Phát hiện bất ngờ này cho thấy một lượng lớn năng lượng đã bị được giữ lại bởi các đại dương trong hàng chục năm mà con người không hề biết. Ước tính mỗi năm các đại dương hấp thụ lượng nhiệt gấp 8 lần số năng lượng được tiêu thụ trên toàn thế giới trong cùng năm.
"Chúng ta đã nghĩ không có sự ấm lên đáng kể của các đại dương và khí quyển với lượng CO2 thải ra. Nhưng chúng ta sai hoàn toàn. Hành tinh ấm hơn chúng ta nghĩ. Thực tế đã bị che giấu bởi vì các nhà khoa học không lấy đúng mẫu. Sự ấm lên ở ngay trước mắt, ở trong lòng các đại dương rồi" - ông Resplandy chia sẻ.
Trước năm 2007, thời điểm chương trình quốc tế sử dụng phao nổi để nghiên cứu nhiệt độ các đại dương được triển khai, những thiếu hụt và phỏng đoán khiến các nhà khoa học lúng túng về tốc độ ấm lên của các đại dương.
Biển càng ấm, đồng nghĩa nhiệt có nguồn gốc từ mặt trời đang bị mắc kẹt ngày càng nhiều trong bầu khí quyển trái đất, thay vì thoát ra ngoài không gian. Nguyên nhân là do khí CO2 thải ra từ các hoạt động công nghiệp khiến nhiệt lượng bị giữ lại ở tầng thấp của khí quyển.
Các đại dương nóng lên nhanh chóng đồng nghĩa mực nước biển sẽ dâng cao, lượng nhiệt trong đại dương sẽ được chuyển đến các địa điểm đang phải đối mặt với tác động của khí hậu ấm lên, như các rặng san hô ở vùng nhiệt đới và các thềm băng ở Greenland và Nam cực.
Theo Bảo Duy/ Tuổi Trẻ