Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc François Delattre cho rằng việc Libya tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp vào ngày 10/12 tới, theo kế hoạch đã thống nhất vào tháng Năm vừa qua, là điều cần thiết để giúp nước này thoát khỏi tình trạng bất ổn hiện nay.
Lực lượng an ninh Libya gác tại hiện trường một vụ tấn công ở Zliten. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5/9 đánh giá về những tiến triển mới nhất ở Libya, Đại sứ Delattre nhấn mạnh "hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ ở Libya," giúp quốc gia Bắc Phi này thoát khỏi tình hình bế tắc và bất ổn hiện nay. Theo đó, Libya cần tổ chức bầu cử đúng thời gian đã được bốn nhân tố chính trị chủ chốt của nước này thống nhất tại Paris ngày 29/5 vừa qua.
Nhân dịp này, Đại sứ Delattre cũng gợi ý việc thông qua một cơ sở hiến pháp cũng như tổ chức bầu cử tổng thống và lập pháp vào tháng 12 tới. Bên cạnh đó, ông lên án những người cố tình trì hoãn thời điểm tiến hành bầu cử với lý do "tình hình sẽ không cho phép," đồng thời cho rằng kẻ thù của đất nước và người dân Libya chính là vấn nạn tham ô lãng phí, những kẻ buôn người và tội phạm có tổ chức.
Cùng chung quan điểm với Đại sứ Pháp, đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya, ông Ghassan Salame, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc bầu cử ngày 10/12 tới. Ông cho rằng "hiện trạng bất ổn ở Libya là không thể tránh khỏi," do đó việc thiết lập các tổ chức dân sự và quân sự thống nhất là điều vô cùng cấp bách.
Trong khuôn khổ một cuộc thảo luận khác, một số quốc gia, trong đó có Nga và Anh, cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải nhanh chóng thống nhất các thể chế tại Libya.
Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.
Mới đây, dù phái bộ Liên hợp quốc tại Libya ngày 4/9 tuyên bố đạt thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu tại Tripoli vừa qua khiến ít nhất 50 người thiệt mạng, nhưng tình hình ở thủ đô này vẫn còn nhiều bất ổn./.
Theo TTXVN