Nga hạ một máy bay không người lái gần căn cứ không quân ở Syria; số người chết trong động đất ở Indonesia là 387; kẻ đánh cắp máy bay Mỹ 'không muốn làm hại ai'.
Indonesia xác nhận ít nhất 387 người thiệt mạng vì động đất
Cơ quan Điều phối Thảm họa Indonesia ngày 11/8 cho biết trận động đất xảy ra trên đảo Lombok tối 5/8 đã khiến tổng cộng 387 người thiệt mạng, 13.688 người bị thương và 378.067 người phải sơ tán.
Hội Chữ thập Đỏ cho biết lực lượng cứu hộ và viện trợ đã phải vật lộn để tiếp cận các phần phía bắc của đảo do những đống đổ nát sau động đất và nguy cơ sạt lở đang diễn ra. Indonesia sẽ mất nhiều ngày để xác định đầy đủ hậu quả của trận động đất 6,9 độ ở Lombok. Cơ quan Điều phối Thảm họa Indonesia khẳng định chưa cần tới viện trợ quốc tế.
Nga bắn hạ máy bay không người lái ở Syria
Binh sĩ Nga tại căn cứ không quân ở Hmeymim, Syria. Ảnh: Defense.
Quân đội Nga thông báo đã bắn hạ một máy bay không người lái gần căn cứ không quân ở Hmeymim, Syria hôm 11/8. Đây là căn cứ không quân chủ lực của Nga ở Syria, nơi triển khai các chiến đấu cơ tham gia chiến dịch không kích phiến quân tại quốc gia Trung Đông này.
Chiếc máy bay xuất phát từ khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát và bị tiêu diệt trước khi kịp gây ra bất cứ thương vong hoặc thiệt hại nào. Căn cứ không quân Hmeymim hoạt động như bình thường, hãng thông tấn TASS của Nga cho biết.
Nhân viên hàng không Mỹ đánh cắp máy bay nói 'không muốn làm hại ai'
Nhà chức trách Mỹ ngày 11/8 xác nhận người đánh cắp chiếc máy bay Q400 và lao xuống một hòn đảo hôm qua là Richard Russell, 29 tuổi, một nhân viên dịch vụ mặt đất của hãng hàng không Horizon Air tại thành phố Seattle, bang Washington.
"Tôi chỉ muốn thực hiện một số thao tác xem máy bay có thể làm những gì trước khi tôi lao nó xuống. Tôi không muốn làm hại bất cứ ai", Russell nói qua bộ đàm với trạm kiểm soát không lưu trước khi điều khiến chiếc phi cơ đâm xuống đất và tử vong ngay lập tức. Chiếc máy bay 76 chỗ trước đó đã thực hiện nhiều pha nhào lộn nguy hiểm suốt hơn một giờ.
Horizon Air xác nhận không có hành khách nào trên máy bay. Sân bay Settle-Tacoma bị đóng cửa để thắt chặt an ninh, nhưng đã trở lại hoạt động bình thường không lâu sau đó.
Lãnh đạo tối cao Iran kêu gọi hành động đối phó 'cuộc chiến kinh tế'
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei phát biểu tại Tehran tháng 6/2017. Ảnh: Reuters.
"Mục đích của các tòa án đặc biệt là trừng phạt một cách nhanh chóng và đích đáng những người có hành vi lũng đoạn kinh tế. Các tòa án nên đảm bảo tính chính xác cho các phán quyết của họ", Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 11/8 cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tư pháp Iran Ayatollah Sadeq Amoli Larijani nói trong một lá thư gửi Khamenei rằng "các điều kiện kinh tế đặc biệt hiện nay được coi là một cuộc chiến kinh tế", kêu gọi thành lập các tòa án đặc biệt để giải quyết nhanh chóng với tội phạm tài chính.
Bộ Tư pháp Iran cho rằng các "kẻ thù" như Mỹ, Israel và Arab Saudi cũng như các chính trị gia đối lậplưu vong đang làm bất ổn tình hình đất nước. Đồng rial đã mất khoảng một nửa giá trị từ tháng 4 sau khi Mỹ đe dọa khôi phục các biện pháp trừng phạt. Chi phí sinh hoạt cũng tăng vọt, gây ra các cuộc biểu tình lẻ tẻ chống tham nhũng và việc đầu cơ trục lợi ở Iran, trong đó nhiều người biểu tình hô khẩu hiệu chống chính phủ.
Luật sư của cha mẹ Melania phản đối chính sách nhập cư của Trump
Luật sư Michael Wildes (giữa, cà vạt đỏ) cùng Viktor Knavs (ngoài cùng bên phải) và vợ Amalija Knavs tới buổi lễ nhập quốc tịch ở thành phố New York hôm 9/8. Ảnh: AP.
Michael Wildes, luật sư đã góp phần giúp bố mẹ vợ Trump là Viktor và Amalija Knavs được nhập quốc tịch Mỹ, gọi lập trường cứng rắn trong chính sách nhập tịch theo diện gia đình của Tổng thống Mỹ là "vô cảm".
"Toàn bộ khái niệm về bảo lãnh nhập cư dây chuyền thực sự là nền tảng tuyệt vời của luật nhập cư và chính sách đoàn tụ gia đình", Wildes nói trong cuộc phỏng vấn với CNN, nhắc đến chính sách công dân Mỹ có thể bảo lãnh cho người thân ruột thịt nhập cư vào nước này. Trump từng tuyên bố "bảo lãnh dây chuyền" là "thảm họa của đất nước".
Wildes lưu ý rằng ông đang nói về quan điểm cá nhân, không phải thay mặt cho Đệ nhất phu nhân Melania hay gia đình bà.
Viktor và Amalija Knavs, cha mẹ của Melania Trump, đã được cấp quốc tịch Mỹ hôm 9/8 sau nhiều năm định cư hợp pháp ở Mỹ dưới sự bảo lãnh của con gái.
Tác giả đoạt giải Nobel Văn học 2001 qua đời
Vidiadhar Surajprasad Naipaul tại nhà riêng ở Salisbury, Wiltshire, London tháng 10/2001 sau khi đoạt giải Nobel Văn học. Ảnh: Reuters.
Vidiadhar Surajprasad Naipaul, tác giả từng đoạt giải Nobel Văn học năm 2001, đã qua đời tại nhà riêng tại London hôm 11/8 ở tuổi 85.
Trong một thông cáo, Nadira Naipaul mô tả chồng bà là "người khổng lồ vì tất cả những gì ông đạt được", "sống một cuộc đời đầy sáng tạo và nỗ lực tuyệt vời".
Vidiadhar Surajprasad Naipaul sinh năm 1932 tại Trinidad trong một gia đình người Ấn Độ và lớn lên trong nghèo đói. Ông chuyển đến Anh năm 18 tuổi sau khi nhận được học bổng của Đại học Oxford.
Vidiadhar Surajprasad Naipaul bắt đầu sáng tác vào những năm 1950 và giành được nhiều giải thưởng văn học lớn trong sự nghiệp của mình. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là "A House for Mr Biswas", "In a Free State" và "A Bend in the River".
Cảnh sát Canada bắt kẻ xả súng khiến 4 người thiệt mạng
Cảnh sát Canada tại hiện trường vụ xả súng ở Fredericton hôm 10/8. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát Canada bắt giữ và truy tố Matthew Vincent Raymond, 48 tuổi, tội giết người cấp độ một sau khi thực hiện vụ vụ xả súng ở Fredericton, thủ phủ của tỉnh New Brunswick hôm 10/8 khiến hai cảnh sát và hai dân thường thiệt mạng.
Luật sở hữu súng ở Canada khắt khe hơn ở Mỹ nhưng sự gia tăng vũ khí đã dẫn đến gia tăng tội phạm liên quan đến súng trong những năm gần đây. Vụ xả súng ở Fredericton xảy ra chỉ ba tuần sau khi một tay súng giết chết hai người và làm bị thương 13 người trước khi tự sát ở Toronto.
Trung Quốc dừng phá hủy thánh đường Hồi giáo vì người dân phản đối
Nhiều xe đậu bên ngoài thánh đường Hồi giáo ở thị trấn Weizhou, khu tự trị Ninh Hạ tối 11/8. Ảnh: AP.
Nhà chức trách ở khu tự trị Ninh Hạ, miền bắc Trung Quốc hôm 11/8 hoãn việc phá hủy một thánh đường Hồi giáo sau khi hàng nghìn người dân biểu tình phản đối.
Những người biểu tình đã tập hợp từ hôm 9/8 để phản đối việc phá hủy thánh đường Hồi giáo lớn nhất ở thị trấn Weizhou, tỉnh Ninh Hạ. Những video xuất hiện trên mạng xã hội gần đây cho thấy họ tập trung trước thánh đường trong khi cảnh sát với khiên chống bạo động đứng bên cạnh.
"Chính quyền nói đó là một công trình bất hợp pháp nhưng không phải, thánh đường Hồi giáo này đã có lịch sử hàng trăm năm", một người dân địa phương cho biết.
Theo VnExpress