Nợ toàn cầu đã lập kỷ lục mới 247.000 tỉ USD trong quý I/2018, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đi ngang một màn hình hiển thị khoản nợ quốc gia hơn 20.555 tỉ USD Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh Mỹ phát động chiến tranh thương mại với nhiều nước, thông tin thế giới đang chìm trong nợ nần khiến người ta thêm lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu thời gian tới.
Nỗi lo của nhà đầu tư
Theo báo cáo mới của Viện Tài chính quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đã lập kỷ lục mới 247.000 tỉ USD trong quý I/2018, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tỉ lệ nợ so với GDP của thế giới đã tăng lên mức 318%, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ quý III/2016. Tại nhiều nước phát triển, nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng đạt mức cao chưa từng thấy. Đáng chú ý, nợ của khu vực phi tài chính đạt 186.000 tỉ USD - một con số khiến các chuyên gia IIF không khỏi lo ngại dù họ trấn an sẽ khó xảy ra khủng hoảng.
"Quả bom" nợ khổng lồ của thế giới là một trong những nỗi lo của các nhà đầu tư hiện nay, bên cạnh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Ông Joseph LaVorgna, chuyên gia tại ngân hàng Natixis (Pháp), đặc biệt chú ý đến những rủi ro từ nợ doanh nghiệp. "Khu vực doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong trường hợp lãi suất tăng cao hơn" - ông LaVorgna cảnh báo. Theo chuyên gia này, một lý do chính khiến tỉ lệ nợ doanh nghiệp so với GDP đang ở mức quá cao là lãi suất ở mức thấp nhiều năm trước đây dưới tác động của chính sách nới lỏng định lượng.
Đây không phải là lần đầu tiên hồi chuông báo động về vấn đề nợ của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ trên toàn cầu được gióng lên. Cuối năm ngoái, Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông David Lipton, nhận định nợ lớn và lãi suất thấp là các rủi ro lớn nhất đối với thị trường. Trong khi đó, Giám đốc An ninh quốc gia Mỹ Dan Coats gọi khoản nợ 21.000 tỉ USD của nước này là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với kinh tế và an ninh quốc gia".
Kinh tế Trung Quốc thấm đòn
Nợ tăng đòi hỏi thu nhập tăng theo nếu muốn mọi chuyện trong tầm kiểm soát. Vấn đề là sự leo thang của cuộc chiến thương mại hiện nay đe dọa "bóp nghẹt" các khoản thu nhập. Tờ The Washington Post chỉ rõ những tác động tiêu cực có thể xuất hiện trong trường hợp khủng hoảng nợ và xung đột thương mại tác động qua lại. Việc tăng cường sử dụng thuế quan và những biện pháp hạn chế thương mại khiến người vay mượn khó trả được nợ hơn. Điều này đe dọa khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại hoặc tồi tệ hơn là dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác.
Số liệu thống kê mới nhất phần nào cho thấy Trung Quốc bắt đầu chịu tác động của vấn đề nợ giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ đang ngày một nghiêm trọng, đe dọa đến hoạt động xuất khẩu của họ. Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tăng trưởng 6,7% trong quý II/2018, giảm so với mức 6,8% trong quý đầu tiên. Theo tờ The New York Times, đã xuất hiện những phàn nàn từ doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc về việc họ khó vay tiền hơn do chính phủ tăng cường nỗ lực tháo gỡ "quả bom nợ" 30.000 tỉ USD (tương đương 259% GDP, theo số liệu của Bloomberg). Khoản nợ này phần lớn đến từ chi tiêu mạnh tay của doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương.
Giờ đây, một số lượng nhỏ công ty buộc phải vỡ nợ và con số này ngày một tăng. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng về đầu tư hạ tầng ở nước này cũng chậm lại đáng kể trong những tháng đầu năm 2018 - ước tính thấp hơn phân nửa so với tỉ lệ 20% trong những năm gần đây. Sự sụt giảm giá trị của nhân dân tệ và cổ phiếu cũng là những dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang gặp khó.
Đáng lo hơn, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể còn giảm hơn nữa nếu Mỹ leo thang cuộc đối đầu thương mại hiện nay. Theo một số dự báo, việc Mỹ áp thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có thể khiến con số này giảm 0,1 điểm phần trăm. Nếu Washington hiện thực hóa lời đe dọa đánh thuế 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, con số này ước tính giảm ít nhất 0,3 điểm phần trăm.
Theo Hoàng Phương/ NLĐ