BGTV – Tỷ lệ người cao tuổi phạm tội đang tăng gấp 4 lần trong vài thập kỷ qua tại Nhật Bản. Cuộc sống khó khăn, sự cô độc ... là những nguyên nhân dẫn đến việc nhà tù đang trở thành thiên đường cho người cao niên tại đây.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới với trên ¼ dân số ở độ tuổi 65 trở lên. Dân số già đã gây ra nhiều ảnh hưởng tới hệ thống tài chính và ngành công nghiệp bán lẻ của Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, đất nước mặt trời mọc cũng phải đối mặt với xu hướng mới đó là ngày càng nhiều người lớn tuổi phạm tội vặt để họ có thể dành quãng đời còn lại trong nhà tù.
Ngày càng nhiều người lớn tuổi phạm tội vặt để có thể ở lại trong tù
Theo Bloomberg, khiếu nại và các vụ bắt giữ liên quan đến công dân lớn tuổi đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Tỷ lệ người cao tuổi phạm tội đang tăng gấp 4 lần trong vài thập kỷ qua.Trong tù, 1/5 phạm nhân là người già. Trong nhiều trường hợp, 9/10 phụ nữ lớn tuổi phải vào trại giam vì tội ăn cắp vặt. Hiện tượng này bắt nguồn từ khó khăn trong việc chăm sóc công dân lớn tuổi.
Số lượng người cao tuổi Nhật Bản sống một mình đã tăng 600% trong khoảng 1985 đến năm 2015. Một nửa trong số tội phạm cao niên bị bắt vì tội ăn cắp vặt đang sống một mình. Năm ngoái, chính phủ Nhật Bản phát hiện ra rằng 40% trong đó nói rằng họ không có gia đình hoặc ít khi tiếp xúc với họ hàng.
Nhiều người phạm tội bởi cảm giác cô độc khi sống một mình
Đối với người cao niên, cuộc sống trong tù dễ thở hơn ngoài đời. Bà Yumi Muranaka, người phụ trách Nhà tù Nữ giới Iwakuni chia sẻ: “Họ có thể có nhà, gia đình nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ có một nơi mang lại cảm giác chính là tổ ấm”.
Một tù nhân 80 tuổi phạm tội ăn cắp trứng cá tuyết, hạt giống, chảo rán ...tới bốn lần và bị kết án hai năm rưỡi kể rằng: “Khi tôi còn trẻ, tôi chẳng nghĩ tới chuyện ăn trộm. Tất cả những gì tôi làm là làm việc chăm chỉ trong nhà máy cao su 20 năm rồi trở thành nhân viên chăm sóc tại bệnh viện. Tiền bạc luôn thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn đủ khả năng cho con đi học đại học”.
“6 năm trước, chồng tôi bị đột quỵ và nằm liệt giường từ đó. Ông cũng mắc bệnh mất trí nhớ và hoang tưởng. Phải mất rất nhiều công sức để chăm sóc ông bởi tôi đã cao tuổi. Nhưng tôi chẳng thể chia sẻ với ai về những căng thẳng đó vì quá xấu hổ”.
“Lần đầu tiên phạm tội tôi đã 70 tuổi. Khi ấy, tôi vẫn có tiền trong túi rồi tôi nghĩ về đời mình. Tôi chẳng muốn về nhà cũng không có nơi nào để đi. Vì thế trông cậy vào nhà tù là cách duy nhất. Cuộc sống tôi trở nên dễ chịu hơn nhiều tại đây. Tôi có thể là chính mình dù chỉ trong thời gian ngắn. Con trai nói rằng tôi bị bệnh và phải nhập viện tâm thần. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Có lẽ chính sự lo lắng, căng thẳng đã dẫn tôi đến hành động này”.
Chi phí cho tù nhân cao tuổi ở Nhật Bản rất cao do nhu cầu chăm sóc đặc biệt
Chi phí cho một tù nhân ở Nhật Bản vào khoảng 20.000 USD và với phạm nhân cao niên con số này cao hơn do nhu cầu chăm sóc và dịch vụ y tế đặc biệt. Nhân viên trại tù ngày càng nhìn nhận bản thân như những nhân viên điều dưỡng tại gia. Chị Satomi Kezuka, nhân viên ở Nhà tù Nữ giới Tochigi nói: “Họ xấu hổ và giấu quần lót của mình đi. Vì vậy, tôi bảo họ mang quần lại cho tôi để tôi giặt giũ”.
Cuộc phỏng vấn với Bloomberg cho thấy rằng nữ tù nhân cao tuổi chia sẻ rằng họ đều yêu thích cuộc sống trong tù bởi có nhiều người xung quanh và không còn cảm thấy cô độc. Bà O, 78 tuổi phạm tội ăn cắp nước ngọt, cà phê, xoài... ba lần bị kết án 17 tháng tù có một con gái và cháu trai, Bà nhấn mạnh: “Nhà tù là ốc đảo nghỉ dưỡng của tôi. Tôi không có tự do ở đây nhưng tôi chẳng có gì để mà lo lắng. Có nhiều người trò chuyện cùng tôi. Họ cũng cung cấp cho tôi ba bữa ăn đủ dưỡng chất mỗi ngày. Hàng tháng, con gái đến thăm tôi. Thế là tốt rồi”.
Chính phủ Nhật đang cố gắng chống lại tình trạng phạm nhân cao tuổi bằng cách cải thiện hệ thống phúc lợi
Cố tình bị bắt không phải là chuyện chỉ có ở Nhật Bản. Tại Mỹ, nhiều trường hợp cố ý bị bắt giữ để tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tránh điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc bỏ thói quen nghiện ngập. Nhưng vấn đề của Nhật Bản đã trở nên đáng báo động và các cấp chính quyền đang cố gắng chống lại tình trạng này bằng cách cải thiện hệ thống phúc lợi và dịch vụ xã hội. Nhân viên xã hội Takeshi Izumaru chia sẻ: “Cuộc sống trong tù chẳng dễ dàng nhưng với một số người, đời sống bên ngoài còn tồi tệ hơn rất nhiều”.
An Yên (Theo BI/ B)