Một số thành viên ASEAN đang cân nhắc giảm quy mô hoặc hủy những dự án cảng, đặc khu kinh tế và đường sắt có đầu tư từ Trung Quốc.
Myanmar giảm quy mô dự án đặc khu kinh tế Kyaukpyu có đầu tư của Trung Quốc REUTERS
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review, Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Myanmar Soe Win cho biết nước này sẽ giảm bớt quy mô dự án đặc khu kinh tế tại thị trấn Kyaukpyu (bang Rakhine) với kinh phí vay từ Trung Quốc lên đến 10 tỉ USD (229.000 tỉ đồng). Theo kế hoạch ban đầu, tại đặc khu này, Trung Quốc sẽ xây dựng một hải cảng thuộc hàng lớn nhất Myanmar và một khu công nghiệp 1.000 ha.
Tuy nhiên, chính phủ Myanmar ngày càng lo ngại về khoản vay từ Trung Quốc để thực hiện dự án này. “Chúng tôi rút ra được nhiều bài học từ các quốc gia khác, theo đó đầu tư quá mức đôi lúc không mang đến kết quả tốt đẹp”, ông Soe Win cho hay. “Vấn đề đặt ra là chúng tôi có đủ khả năng trả nợ hay không? Chúng tôi sẽ phải cắt giảm quy mô và tất cả chi phí không cần thiết của dự án”, ông Soe Win khẳng định. Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Myanmar sẽ giảm quy mô dự án đến mức nào. “Điều này tùy thuộc vào các cuộc đàm phán, nên chúng tôi không thể nêu cụ thể. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải có trách nhiệm đảm bảo lợi ích cho hai bên”, theo Bộ trưởng Soe Win. Tính đến cuối năm 2017, nợ nước ngoài của Myanmar là 9,6 tỉ USD, trong đó 40% từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng đang xem xét lại tất cả dự án với Trung Quốc. Cuối tuần trước, Reuters dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết “những điều khoản không công bằng” trong các dự án với Trung Quốc sẽ là vấn đề thảo luận chính trong chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh vào tháng 8. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Kuala Lumpur đình chỉ 3 dự án với kinh phí vay từ đối tác, được ký kết từ thời cựu Thủ tướng Najib Razak. Trong đó bao gồm tuyến đường sắt bờ biển phía đông (20 tỉ USD) và 2 đường ống dẫn dầu (2,3 tỉ USD). Các công ty nhà nước Trung Quốc chịu trách nhiệm phát triển cả ba dự án này. “Có nhiều vấn đề phát sinh trong các dự án bao gồm những điều khoản thiếu công bằng, không có lợi cho Malaysia. Chúng tôi cũng lo ngại lãi suất cho vay quá cao”, ông Mahathir nói.
Trước đó, nhà lãnh đạo Malaysia khẳng định sẽ xem xét lại hoặc tái đàm phán toàn bộ những dự án “mơ hồ” với Trung Quốc, bao gồm cảng nước sâu ở eo biển Malacca và một khu công nghiệp quy mô lớn. “Đây là một phần của đất nước được trao cho người nước ngoài. Nếu có thêm những khu công nghiệp như thế này... chúng ta sẽ sở hữu đất đai ngày càng ít đi”, Nikkei Asian Review dẫn lời ông Mahathir cảnh báo tại hội nghị “Tương lai châu Á” ở Nhật Bản hồi tháng 6.
Vào năm 2008, Tập đoàn phát triển Thiên Tân (UDG) của Trung Quốc được phép thuê 10.000 ha đất bờ biển tại tỉnh Koh Kong, tây nam Campuchia trong 99 năm để phát triển dự án cảng, sân bay và resort cao cấp trị giá 3,8 tỉ USD. Tuy nhiên, theo tờ The Phnom Penh Post, chính quyền Koh Kong hồi tháng 4 tiến hành điều tra cáo buộc UDG lừa đảo, không trả tiền bồi thường đất cho người dân địa phương. “Họ hứa bồi thường 8.000 USD/ha, nhưng sau khi chúng tôi đồng ý thì chỉ nhận được 1.750 USD. Người Trung Quốc còn ngang ngược bảo có nhận tiền hay không thì cũng sẽ lấy đất”, bà Kun Sao (57 tuổi) ở Koh Kong bức xúc nói. |
Theo Phúc Duy/ Thanh Niên