Ngày 4/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nước này có thể giảm các hoạt động hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với những "hậu quả" của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AP)
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời ông Rouhani sau cuộc gặp Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano khẳng định các hoạt động hạt nhân của Iran đều phục vụ các mục đích hòa bình và không có gì phải che giấu, song Iran sẽ quyết định mức độ hợp tác với IAEA. Nhà lãnh đạo Iran nêu rõ: "Trách nhiệm đối với sự thay đổi mức độ hợp tác của Iran với IAEA thuộc về bên đã gây ra tình hình căng thẳng hiện nay."
Tổng thống Iran đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký giữa Tehran và nhóm P5+1, đồng thời áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran.
Mỹ cũng gây sức ép đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran bằng cách yêu cầu những nước này ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Tehran từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh Washington "chưa nghĩ đến hậu quả" của động thái trên.
Trong khi đó, cùng ngày, nghị sĩ Iran Assadollah Qarehkhani tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này đang cân nhắc kế hoạch hàng đổi dầu, theo đó chỉ mua hàng hóa của các nước mua dầu từ Tehran, nhằm đối phó với những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, nghị sỹ Qarehkhani cho biết một ủy ban đặc biệt thuộc Quốc hội Iran đã được thành lập để xử lý vấn đề hàng đổi dầu của nước này. Theo nghị sỹ Qarehkhani, đồng thời là người phát ngôn của Ủy ban Năng lượng của Quốc hội Iran, Iran không thể chuyển ngoại tệ (USD hay Euro) từ việc bán dầu về nước này do những vấn đề liên quan tới ngân hàng.
Do đó, Iran sẽ nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác mua dầu như Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tehran đã từng áp dụng biện pháp này trong những lần bị trừng phạt trước đây.
Iran nằm trong 4 nước đứng đầu thế giới về trữ lượng cả dầu mỏ và khí tự nhiên. Dầu mỏ là nguồn thu chính của quốc gia Trung Đông này và chiếm khoảng 40% nguồn thu ngân sách của chính phủ.
Liên quan vấn đề trên, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen ngày 4/7 bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran, cho rằng những biện pháp này của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và ảnh hưởng tới nhiều nước khác trong đó có Áo.
Nhà lãnh đạo Áo cũng cho biết Ủy ban châu Âu ủng hộ lập trường phản đối quyết định của Washington đối với JCPOA.
Tổng thống Iran đang có chuyến công du châu Âu nhằm thảo luận về tương lai của JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này./.
Theo TTXVN