Thông báo thành lập lực lượng không gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian
Quân đội Mỹ đang dựa nhiều vào vệ tinh để hoạt động Ảnh: ARMY.MIL
Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ trái đất thoát khỏi các thiên thạch có nguy cơ gây hủy diệt trên diện rộng nếu xảy ra va chạm.
Chuyển hướng thiên thạch
Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia Mỹ (NSTC) hôm 20-6 kêu gọi cải tiến phương pháp phát hiện, theo dõi và làm chệch hướng thiên thạch. Trước mắt, theo AP, Cơ quan Không gian Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tham gia nỗ lực này cùng với quân đội, Nhà Trắng và một số quan chức khác.
Các nhà khoa học hiện vẫn chưa phát hiện bất kỳ thiên thạch hoặc sao chổi nào hướng đến quỹ đạo trái đất. Nói thế không có nghĩa là mối đe dọa này không tồn tại và chính phủ Mỹ muốn chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra quyết định hành động tốt nhất trong trường hợp cần thiết.
Ông Lindley Johnson, một quan chức NASA, tiết lộ giới khoa học đã xác định 95% vật thể gần trái đất có đường kính từ 1 km trở lên. Cuộc săn lùng giờ đây tập trung vào 5% vật thể nhỏ hơn còn lại - vốn đủ sức gây ra thiệt hại lớn. Theo ông Johnson, hiện không có giải pháp đối phó nhanh chóng nếu một thiên thạch được dự báo sẽ va chạm trái đất trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng tới. Tuy nhiên, cảnh báo sớm ít ra cũng giúp thế giới có thời gian sơ tán khu vực thiên thạch có thể rơi xuống.
Quan chức NASA nói trên nhấn mạnh thêm rằng sẽ phải mất nhiều năm để thực hiện sứ mệnh bảo vệ trái đất trước mối đe dọa của thiên thạch. Khi đó, một tàu vũ trụ robot sẽ được sử dụng để "tấn công" thiên thạch và khiến nó chuyển hướng. Trong trường hợp xấu hơn, một thiết bị hạt nhân sẽ được phóng lên làm tăng nhiệt bề mặt thiên thạch và bốc hơi đủ vật liệu trên đó để khiến nó đổi hướng.
Giới khoa học gia hy vọng sẽ học biết nhiều điều từ thiên thạch thông qua hai sứ mệnh đang được thực hiện: Tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA sẽ đến tiểu hành tinh Bennu cuối năm nay và đem các mẫu vật thu thập được về trái đất năm 2023; tàu Hyabusa 2 của Nhật Bản cũng sẽ mang về các mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu vào năm 2020.
Nỗi lo vệ tinh bị phá hủy
Ngoài thiên thạch, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn lo ngại về những hiểm họa ngoài vũ trụ liên quan đến con người. Bằng chứng là ông chủ Nhà Trắng vừa ra lệnh Lầu Năm Góc thành lập lực lượng không gian và xem đây là binh chủng thứ sáu của quân đội.
Tạp chí Forbes nhận định động thái trên của ông Trump xuất phát từ mối đe dọa của Nga và Trung Quốc đối với các vệ tinh Mỹ trên quỹ đạo. Những thiết bị này đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với các hoạt động quân sự của Mỹ trên trái đất nhưng hiện chưa được trang bị khả năng tự bảo vệ.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm biện pháp cản trở hoặc phá hủy vệ tinh Mỹ để làm suy yếu quân đội Mỹ trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Chẳng hạn, mỗi lữ đoàn thiết giáp Mỹ được cho là đang sử dụng hơn 2.000 thiết bị dựa vào vệ tinh nên chỉ cần vệ tinh bị vô hiệu hóa là năng lực tác chiến của họ sẽ gặp trở ngại.
Sự ra đời của lực lượng nói trên chắc chắn làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian với sự tham gia của ngày càng nhiều nước. Quốc hội Pháp đang tranh luận dự thảo luật kế hoạch quân sự 2019-2025, trong đó nhấn mạnh "không gian là lợi ích chiến lược hàng đầu" của nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly hôm 21-6 cho rằng nước này cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát không gian để bảo đảm nơi này không bao giờ trở thành chiến trường cho các cuộc xung đột lớn trong tương lai.
Theo Lục San/ NLĐ