Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua chính sách mới, có thể thu hút thêm 500.000 lao động nước ngoài nhằm đối phó tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Thực tập sinh ngành xây dựng người Việt ở Tokyo ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIAN REVIEW
Theo chính sách mới được phê chuẩn, Nhật Bản sẽ cấp thị thực (visa) cho lao động nước ngoài trong 5 lĩnh vực thiếu hụt nhân lực nhất, gồm xây dựng, nông nghiệp, khách sạn, đóng tàu và chăm sóc người cao tuổi. Chính sách này bắt đầu có hiệu lực trong năm tài chính sắp tới (từ tháng 4.2019 - 3.2020). Người lao động sẽ được cấp visa làm việc trong 5 năm nếu vượt qua 2 kỳ thi kiểm tra năng lực ngôn ngữ và tay nghề vào tháng 4.2019. Trong đó, họ phải thể hiện khả năng hiểu được những đoạn hội thoại nói với tốc độ chậm và thực hiện các nhiệm vụ cơ bản theo yêu cầu công việc. Trong một số trường hợp, chính phủ sẽ cân nhắc cấp visa vô thời hạn và cho phép người thân đi cùng, theo tờ Nikkei Asian Review. Còn thực tập sinh kỹ năng nếu như trước đây phải về nước sau khi hết thời hạn 5 năm thì nay có thể tiếp tục được cấp visa lao động thêm tối đa 5 năm nữa.
Truyền thông Nhật Bản dẫn lời Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho hay: “Vấn đề thiếu hụt nhân lực đang trở nên cấp bách. Chính phủ tạo ra cơ chế mới để thu hút thêm nguồn nhân lực nước ngoài, nhưng chỉ những người nước ngoài có trình độ chuyên môn và tay nghề nhất định, vượt qua kỳ thi mới được đến Nhật Bản làm việc”.
Mặc dù chính phủ không đặt ra chỉ tiêu số lượng, nhưng giới chuyên gia ước tính đến năm 2025 Nhật sẽ thu hút hơn 500.000 người đến làm việc. Theo AFP, tính đến cuối năm 2017, nước này có khoảng 240.000 lao động nước ngoài có tay nghề và hơn 250.000 thực tập sinh. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã ký các thỏa thuận với một số nước trong khu vực, bao gồm VN, về hợp tác nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng và chăm sóc người cao tuổi.
Dân số Nhật Bản trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) tính đến tháng 4.2018 là 75 triệu người, nhưng Kyodo News dẫn lời các chuyên gia dự đoán đến năm 2040 sẽ giảm 1,5 triệu. Vì thế, chính sách mới được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Nội vụ Hiroya Masuda, hiện là chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Nomura, khuyến cáo: “Doanh nghiệp phải đối xử với lao động nước ngoài giống như người bản địa, khi đó mới có thể thu hút thêm nhân lực”. Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc các công ty, hiệp hội tư nhân lợi dụng chương trình thực tập sinh kỹ năng để nhập khẩu lao động rẻ mạt, ăn chặn tiền lương và thậm chí lừa lao động đến làm việc trong vùng bị nhiễm phóng xạ.
Theo TTXVN, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nhật Bản cuối tháng 5, hai bên thông qua tuyên bố chung bao gồm nội dung khẳng định hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lao động và đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên nhất trí hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng mới trên cơ sở luật Thực tập sinh kỹ năng và bảo vệ thực tập sinh của Nhật Bản có hiệu lực tháng 11.2017, bao gồm mục lao động mới là nhân viên điều dưỡng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe còn khẳng định cam kết hợp tác để triển khai thuận lợi và phù hợp việc phái cử và tiếp nhận các ứng viên hộ lý, điều dưỡng viên đã được cấp bằng của VN sang Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật. |
Theo Phúc Duy/ Thanh Niên