Chính phủ Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đang xem xét lại tất cả dự án “mơ hồ” với Trung Quốc nhằm tránh lâm vào thế phải phụ thuộc đối tác.
Tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất tại Kuala Lumpur ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hồi đầu tháng tuyên bố tái đàm phán với Trung Quốc về dự án tuyến đường sắt bờ biển phía đông có vốn đầu tư 55 tỉ ringgit (hơn 314.000 tỉ đồng). “Chúng tôi đang tái đàm phán những điều khoản gây thiệt hại cho nền kinh tế Malaysia. Mục tiêu trọng tâm hàng đầu của chính phủ là cắt giảm nợ công. Chúng ta có thể cắt giảm 200 tỉ ringgit nợ công bằng cách hủy bỏ những dự án như thế này”, Reuters dẫn lời ông Mahathir khẳng định, đồng thời chỉ trích người tiền nhiệm Najib Razak phê duyệt dự án mà “không màng đến lợi ích của đất nước”.
Trước đó, các chuyên gia và phe đối lập chỉ trích chính quyền ông Najib phê chuẩn nhanh chóng các dự án của Trung Quốc để “tìm kiếm hỗ trợ về chính trị” và che đậy những khoản nợ xuất phát từ vụ tham nhũng gây thất thoát hàng tỉ USD từ Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB, theo tờ Asia Times. Số liệu của Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Malaysia chỉ chiếm khoảng 0,8% trong tổng số nguồn vốn FDI hồi 2008, nhưng tăng đột biến lên đến đến 14,4% vào năm 2016.
Không chỉ tuyến đường sắt, Thủ tướng Mahathir trước đó khẳng định sẽ xem xét lại hoặc tái đàm phán toàn bộ những dự án “mơ hồ” với Trung Quốc, bao gồm cảng nước sâu ở eo biển Malacca và một khu công nghiệp quy mô lớn. “Đây là một phần của đất nước được trao cho người nước ngoài. Nếu có thêm những khu công nghiệp như thế này... chúng ta sẽ sở hữu đất đai ngày càng ít đi. Trong khi đó, nhiều mảnh đất rơi vào tay người nước ngoài”, Nikkei Asian Review dẫn lời ông Mahathir cảnh báo. Nhà lãnh đạo cũng đề cập bài học kinh nghiệm từ việc chính phủ Sri Lanka hồi năm 2017 phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm để trả nợ đầu tư phát triển hạ tầng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Malaysia tuần trước đến thủ đô Tokyo của Nhật Bản để dự Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á. Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm còn nhằm vực dậy chiến lược “Hướng Đông” có từ thập niên 1980, hướng đến tăng cường hợp tác, học hỏi kỹ năng và kinh nghiệm mô hình phát triển của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Với chiến lược này, Malaysia sẽ tăng cường thu hút đầu tư và khoản vay ưu đãi từ Nhật Bản, giúp giảm bớt gánh nặng nợ công và quan trọng nhất là hạn chế phụ thuộc vào một đối tác duy nhất. Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết nợ công của Malaysia hiện ở mức 1 nghìn tỉ ringgit (251,7 tỉ USD) và nhận định đây là hậu quả do chính quyền ông Najib để lại, theo thông tấn xã Bernama. Giải thích về chiến lược “Hướng Đông”, Thủ tướng Mahathir bày tỏ lo ngại Malaysia có nguy cơ bị ép ký những thỏa thuận bất lợi nếu không thể trả nợ. “Chúng tôi sẽ thân thiện với Trung Quốc nhưng không muốn mắc nợ nước này”, ông nhấn mạnh tại hội nghị ở Tokyo.
Về vấn đề Biển Đông, tờ Nikkei Asian Review dẫn lời Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh: “Chúng ta không thể bác bỏ quyền của Trung Quốc trong việc tiếp cận các vùng biển ở Đông Nam Á bởi đó là tuyến đường hàng hải nối kết phương Đông với phương Tây. Tuy nhiên, không quốc gia nào, kể cả Trung Quốc hay Mỹ, có quyền kiểm soát tuyến đường này. Chúng tôi muốn mọi thứ phải mở, tự do và không có giới hạn đối với tàu thuyền, ngoại trừ chiến hạm”. |
Theo Phúc Duy/ Thanh Niên