Philippines và một số thành viên ASEAN khác nỗ lực giải quyết tình trạng người lao động ngắn hạn bị doanh nghiệp dùng chiêu trò để tước mất nhiều quyền lợi.
Nhân viên làm việc tại một siêu thị ở Manila, Philippines REUTERS
Theo tờ Nikkei Asian Review, trước thực trạng người lao động ngắn hạn bị tước đi nhiều quyền lợi do tình trạng lách luật của chủ sử dụng lao động, chính quyền một số nước Đông Nam Á đang áp dụng nhiều biện pháp để đối phó. Tại Philippines, luật pháp nước này quy định người lao động phải được trao hợp đồng dài hạn sau 6 tháng thử việc. Tuy nhiên, nhiều công ty lách luật bằng cách thuê nhân viên với hợp đồng chỉ 5 tháng rồi sau đó tái ký hợp đồng ngắn hạn. Các công ty chuyên môi giới việc làm cũng áp dụng cách này và những doanh nghiệp nói trên chỉ cần thuê lại lao động từ bên môi giới nên sẽ không phải tốn chi phí phúc lợi.
Chiêu thức này gọi là “endo” và được giới doanh nghiệp áp dụng để giữ chi phí nhân công ở mức thấp, có thể dễ dàng điều chỉnh bảng lương công ty nếu cần. Trong khi đó, do không được ký hợp đồng lâu dài nên người lao động đương nhiên mất đi nhiều đãi ngộ như lương tháng 13, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Những đối tượng chịu thiệt hại đa phần là người thu nhập thấp hoặc sinh viên làm thêm. Hợp đồng ngắn hạn này đặc biệt phổ biến trong những ngành như nhà hàng, bán lẻ, sản xuất... và mức lương thường khoảng 300 peso (128.000 đồng)/ngày, thấp hơn mức lương tối thiểu hợp pháp (400 peso/ngày).
Trước đây, Bộ Lao động và Việc làm Philippines (DOLE) từng ra lệnh cấm nhà tuyển dụng lặp lại việc ký hợp đồng ngắn hạn với nhân viên; cấm công ty môi giới yêu cầu nhân viên ngắn hạn làm cùng công việc mà lao động chính thức của công ty tuyển dụng làm; hay cấm việc bắt buộc nhân viên ký hợp đồng với thời hạn ngắn hơn hợp đồng mà nhà môi giới ký với công ty tuyển dụng, theo Đài GMA News. Tuy nhiên, động thái này bị các công đoàn và giới chuyên gia chỉ trích là thiếu hiệu quả vì “từ ngữ mơ hồ” và dễ dàng bị lách do không quy định cụ thể “lặp lại” hay “ngắn hạn” là bao nhiêu lần, bao nhiêu lâu.
Đến đầu tháng 6.2018, DOLE có hành động căn cơ hơn khi công bố danh sách 3.337 công ty liên quan hoặc bị tình nghi dính líu đến hoạt động tuyển dụng lao động ngắn hạn trái phép. Trong số này bao gồm những doanh nghiệp lớn như Hãng viễn thông PLDT, Hãng thức ăn nhanh Jollibee, các khách sạn Dusit Thani hay Sofitel... Bộ trưởng Silvestre Bello III cho biết những công ty vi phạm sẽ phải tuân thủ việc hợp thức hóa cho lao động và sẽ bị phạt nặng dù không nêu rõ mức phạt. Dù vấp phải phản đối từ các doanh nghiệp nhưng biện pháp nói trên đã giúp nhiều người lao động có được hợp đồng chính thức. Theo DOLE, hơn 176.000 lao động được ký hợp đồng dài hạn dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte dù hơn 224.000 người vẫn phải tiếp tục làm việc theo hợp đồng ngắn hạn. Một số công ty nước ngoài cũng đã phải ký hợp đồng cho lao động thành nhân viên chính thức.
Ngoài Philippines, một số nước Đông Nam Á khác cũng đang quyết liệt bảo vệ quyền lợi người lao động. Chính phủ Indonesia quy định chỉ có một vài ngành nghề có thể thuê lại lao động ngắn hạn như bảo vệ, lau dọn, phục vụ... hay ở Thái Lan có quy định cấm chi trả mức lương khác nhau giữa lao động ngắn hạn và nhân viên dài hạn làm chung công việc. Giới chuyên gia nhận định đây là xu hướng tất yếu và các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải cân nhắc lại lợi ích từ chuyện nhân công rẻ, thay đổi cách thức sử dụng lao động và tập trung vào đào tạo lao động lâu dài nếu không muốn bị chế tài.
Theo Bảo Vinh/ Thanh Niên